Như những dân tộc anh em khác, ngôi nhà chính là nơi chốn yên bình, che nắng, mưa... của người Vân Kiều. Tìm được miếng đất vừa lòng thần linh, hợp ý gia chủ rồi cất dựng lên một ngôi nhà sàn để ở là ước vọng lớn nhất của người Vân Kiều. Trong sâu thẳm tâm hồn của người Vân Kiều, hướng đến thần linh, tổ tiên, những bậc thần lực vô hình một sự ngưỡng vọng cao độ nhất. Điều này thể hiện ở nghi lễ khánh thành nhà mới của người Vân Kiều.
Chừng mười ngày trước lễ cúng, chủ của ngôi nhà mới rất bận rộn, phải đến tận nhà người thân bên nội, bên ngoại, bạn bè gần xa ở rải rác khắp các triền núi trong vùng để báo tin vui và mời về dự lễ. Trước đây, trong lễ cúng vào nhà mới nhất thiết phải có một con trâu mộng, nhưng nay, nhà nào có điều kiện thì mời khách thịt trâu béo khỏe, nếu không chỉ cần lợn, gà, rượu cần và bánh nếp Ayơh là đủ.
Bánh nếp Ayơh là vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng; bánh tượng trưng đầy đủ về vũ trụ vạn vật, thể hiện lòng trong trắng của người Vân Kiều kết nối với thế giới thần linh; đem lại nhiều ân lộc và may mắn cho gia đình gia chủ. Vì đây là ngày lễ long trọng nên gia chủ sẽ được trưởng bản, già làng cắt cử người phục vụ, từ trang trí, thuốc nước đến cúng tế, ăn uống. Họ còn cử ra cả một tổ giám sát buổi lễ để nhắc nhở và phạt những hành vi không chuẩn mực trong suốt ngày vui. Tất cả những lệ thường này được ghi nhớ trong luật tục từ xa xưa, người Vân Kiều chỉ việc noi theo, góp ý chứ không được chối bỏ.
Nghi thức vào nhà mới của người Vân Kiều có ba phần. Phần đầu tiên, lễ vật là con gà trống, ý niệm cảm tạ thần thổ nhưỡng đã chỉ lối cho chủ nhà lựa được đám đất dựng nhà bằng phẳng, tốt hướng. Họ cảm tạ thần rừng, vị chủ nhân của gỗ lạt đã cung cấp cột thờ ma, rồi cả vật liệu để làm nên cửa chính, cửa phụ, trần thượng, trần hạ... Lượt cúng thứ hai trong ngày là thịt lợn và rượu cần. Lần cúng này người Vân Kiều hướng đến tổ tiên, không chỉ là cha mẹ, người thân đã khuất mà cả những thế hệ tiền nhân đi trước khai sinh ra bản làng Vân Kiều, những ai đã cưu mang, giúp đỡ họ để người Vân Kiều có được khởi sắc như hôm nay...
Nghi lễ cúng tế cuối cùng trong ngày, người Vân Kiều chính thức dọn đến ngôi nhà mới thường diễn ra vào lúc giữa đêm, lúc đất trời chuyển khắc sang ngày mới. Lễ vật được đặt trên bàn thờ gồm thịt trâu (nếu có) và bánh nếp Ayơh, để mời thần trời, thần đất, những đấng bậc khả kính trên trời dưới đất về ngự lễ và chứng dám cho lòng thành của gia chủ; ban cho ngôi nhà mới của gia chủ có được sự vững chãi, gia đình luôn yên ấm, hạnh phúc.
Nhà sàn của người Vân Kiều.
Tục cúng tế vào nhà mới của người Vân Kiều diễn ra trong hai ngày. Trong đêm cúng đầu tiên, hai đằng nội ngoại đến đây trước để cùng chung vui với vợ chồng gia chủ. Theo lệ tục khách mời nội thân sẽ biếu gia chủ gạo nếp và rượu cần, ai có khả năng thì biếu chủ nhà thêm nhiều tiền bạc và của cải. Sau lượt cúng thứ ba (cuối cùng), gia chủ sẽ đáp lại tấm lòng thơm thảo của người thân bằng cách mời họ thưởng thức rượu cần, thịt gà, bánh nếp Ayơh để tỏ lòng cung kính. Khi bình minh của ngày cúng thứ 2 ló rạng cũng là lúc xóm làng, bạn bè thân hữu đáp lại lời mời gọi hội tụ đông đủ. Khuôn viên ngôi nhà sàn mới dựng của gia chủ lúc này rộn ràng hơn bao giờ hết. Chủ nhà sẽ tiếp nhận những lời chúc tụng, chúc phúc...
Sôi động nhất trong ngày người Vân Kiều vào nhà mới là màn nhảy múa tập thể giữa chủ nhà với khách mời đến dự. Men rượu cần và hương thơm của nếp rừng trong bữa tiệc chiêu đãi cùng với tiếng sáo pi, sáo sui, đàn plựa, đàn tín tùng làm cho gia chủ và khách khứa phấn chấn hơn. Họ bắt đầu hát trường ca, kể về chính họ, về những chuyến du cư đáp xuống miền đất mới phì nhiêu và rộng lớn hơn trong quá khứ... Làn điệu Si-nớt, khúc hát cội nguồn luôn theo người Vân Kiều trong vòng tuần hoàn cuộc sống vang lên âm vang núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Đến với ngày hội này, ai ai cũng hứa với lòng mình phải hát thật mê say, nhảy thật nhuần nhuyễn để mang tới nhiều may lành cho gia chủ. Đó chính là căn tính tốt bụng, hết mình vì cộng đồng, là nét đẹp văn hóa thực tại gắn liền với bề dày truyền thống của người Vân Kiều.
Sưu tầm