Là người dân Vĩnh Yên có lẽ ít ai là không biết đến Đầm Vạc, Đầm Vạc đã đi vào đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân nơi đây và trở thành địa danh đặc trưng khi nói về Vĩnh Yên.
Một góc Đầm Vạc
Đầm Vạc là một đầm tự nhiên được hình thành từ lâu đời, là phần phình to của ngòi Vĩnh Yên (còn gọi là sông Cánh), nằm ở phía Nam thành phố, đầm có mặt nước lúc nước dâng cao nhất gần 500ha, với 23 nhánh chạy lan toả ra nhiều phố, phường trong thành phố. Đầm Vạc xưa kia có rừng núi nguyên sinh bao bọc, có rất nhiều loài vật hội tụ về đây sinh sống, nhưng đông nhất vẫn là loài Vạc. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng cái tên Đầm Vạc bắt nguồn từ đó. Tạo hóa đã ban cho Đầm Vạc nguồn nước không bao giờ cạn từ đỉnh núi Tam Đảo chảy xuống, tạo cho Vĩnh Yên có khí hậu ôn hòa, trong lành, thoáng mát, một cảnh quan“Sơn thủy hữu tình”. Chính sự ưu đãi của thiên nhiên với Đầm Vạc đã tạo cảm hứng, đề tài sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ về Vĩnh Yên.
Trong cuộc sống hàng ngày Đầm Vạc còn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng của nhiều hộ dân đô thị và một số vùng lân cận; là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân sống bằng nghề chài lưới, nơi cung cấp nguồn thực phẩm phong phú đa dạng về thủy sản. Trong đó tép dầu Đầm Vạc với hương vị đặc trưng riêng đã trở thành món ăn đặc sản như câu thơ từ bao đời đã có: “Cỗ chín lợn, mười trâu không bằng tép dầu Đầm Vạc”.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế những năm qua, đã hình thành và phát triển các tuyến hành lang kinh tế Quốc tế, Quốc gia liên quan đến Vĩnh Phúc, đưa Vĩnh Yên xích gần hơn với các trung tâm kinh tế và những thành phố lớn của đất nước, tạo cơ hội để Vĩnh Yên nói chung và Đầm Vạc nói riêng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án “Cầu Đầm Vạc” được thực hiện trong 4 năm tại thành phố Vĩnh Yên nhằm hiện thực hóa quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn kết các khu đô thị đang hình thành và phát triển quanh Đầm Vạc và các khu đô thị mới. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước, cùng với các danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo, Hồ Đại Lải, Vĩnh Yên là một trong 5 cụm, tuyến, điểm du lịch chủ yếu của tỉnh, trong đó với trọng điểm là dự án quy hoạch tổng thể hồ Đầm Vạc, phát triển khu du lịch sinh thái Nam Đầm Vạc. Bên cạnh đó, Vĩnh Yên là một trong 3 thành phố của Việt Nam được Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) lựa chọn áp dụng sáng kiến mô hình Dự án “Thành phố xanh: Tương lai đô thị bền vững của khu vực Đông Nam Á”. Cùng với nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai thực hiện như: hệ thống thu gom và xử lý nước mưa, nước thải; quy hoạch, cải tạo khu vực ven hồ; thu gom chất thải rắn; kiểm soát chất lượng nước hồ trong đó có cải tạo và quản lý hồ Đầm Vạc đã góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái trên địa bàn. Hiện nay cùng với nhiều hồ, đầm trên địa bàn thành phố; hệ thống Đầm Vạc đang được thành phố tiến hành cải tạo, nạo vét, kè đường dạo ven hồ đầm, trồng cây xanh; phát triển các khu đô thị mới đã tạo cảnh quan, môi trường sinh thái khang trang, sạch đẹp bên bờ Đầm Vạc.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Vĩnh Yên đã huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch nói chung và khai thác tiềm năng Đầm Vạc nói riêng. Hiện nay trên địa bàn thành phố đã có nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí tại khu vực Đầm Vạc như: Sông Hồng thủ đô; sân golf Nam Đầm Vạc; Công ty TNHH Thiên Tuế…. Sự kết hợp hài hòa, thân thiện giữa những công trình hiện đại và vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của Đầm Vạc đã tạo cảnh quan phong thủy hữu tình, say đắm lòng người về một đô thị Vĩnh Yên đang trên đà khởi sắc. Hàng năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến với Vĩnh Yên.
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, cùng với những chủ trương, dự án quy hoạch, cải tạo Đầm Vạc của các cấp, các ngành, và ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường nói chung và Đầm Vạc nói riêng của mỗi người dân thành phố sẽ góp phần tô điểm cho Đầm Vạc ngày một đẹp hơn, trở thành “Viên ngọc quý”, “ Lá phổi xanh” của Vĩnh Yên, một địa điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch nghỉ dưỡng của du khách thập phương.
Sưu tầm