Làng Thiệu Tổ xã Trung Nguyên (Yên Lạc) trước đây vốn là một vùng quê nghèo. Thế nhưng, khoảng hơn chục năm nay, ngôi làng đã hoàn toàn “lột xác” với những căn biệt thự sang trọng và những chiếc xe ô tô trị giá bạc tỉ nhờ nghề buôn tóc.
Đổi đời nhờ buôn tóc
Người dân trong tỉnh vẫn quen gọi Thiệu Tổ là “làng đại gia” hay “làng trong phố”, bởi cuộc sống của người dân nơi đây đã thực sự đổi khác. Nhờ buôn tóc, nhiều người dân Thiệu Tổ đã xây dựng được những ngôi nhà hiện đại, khang trang và có cuộc sống ấm no, đủ đầy vật chất.
Ông Hoàng Hải Hường, Bí thư Chi bộ thôn Thiệu Tổ cho biết, nghề buôn tóc xuất hiện ở Thiệu Tổ từ năm 1999 khi một số người ở biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái về tìm mua tóc. Hiện trong làng có 410 hộ dân thì có tới 150 hộ dân làm nghề buôn tóc. Nhờ bươn chải, năng động, chịu thương chịu khó, toàn thôn đã có 320 hộ dân có nhà kiên cố, 24 hộ dân có xe ô tô các loại và nhiều hộ dân làm kinh tế giỏi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Viện và chị Nguyễn Thị Tuyên là một trong những đại lý thu mua tóc lớn của thôn nhiều năm nay. Trước đây, vợ chồng anh chị từng đi làm thợ xây, mua bán sắt vụn, rồi làm thầu cai xây dựng tận Hà Nội, nhưng lao động vất vả, không đảm bảo an toàn lao động mà thu nhập lại bấp bênh nên quyết định chuyển sang nghề buôn tóc. Sau gần chục năm bươn chải với nghề, giờ anh chị đã có nhà cao cửa rộng, xe ô tô bốn bánh để đi lại và cuộc sống đủ đầy, sung túc. Ông Nguyễn Đức Vượng (bố anh Viện) cho biết: “Con gái và con rể tôi giờ cũng làm nghề buôn tóc ở trên Sơn La. Giờ các cháu đã mua được đất và xây được nhà để yên tâm an cư lạc nghiệp”.
Anh Bùi Văn Quốc và chị Hoàn cũng là một trong những hộ làm kinh tế giỏi có tiếng ở thôn Thiệu Tổ. Chị Hoàn tâm sự, trước đây gia đình chị làm nghề mua bán phế liệu. Từ năm 2003, thấy nghề buôn tóc mang lại lợi nhuận cao nên gia đình chị quyết định chuyển hẳn sang nghề buôn tóc. Thời gian đầu, gia đình chị chỉ thu mua nhỏ lẻ rồi bán cho các đại lý. Sau này, khi đã có vốn, anh chị chuyển hẳn sang làm đại lý. Ông Bùi Ngọc Hưng (bố chị Hoàn) chia sẻ: “Nghề buôn tóc cần phải có nhiều vốn mới theo được. Mỗi kg tóc rối có giá khoảng 1,2 – 1,4 triệu đồng/kg. Tóc dài thì căn cứ vào độ dài và độ đẹp (óng, mượt, sợi đều nhau, độ dài bằng nhau) của tóc để phân định giá. Tóc dài 30 phân thì có giá khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/kg. Tóc dài từ 50 – 70 phân thì có giá khoảng 5 – 7 triệu đồng/kg. Tóc vụn thì được mua rẻ hơn”.
Những đại lý lớn thu mua tóc ở trong thôn như gia đình anh Viện và gia đình chị Hoàn mỗi năm có thể thu mua và xuất bán hàng chục tấn tóc. Vào những năm buôn bán thuận lợi, mỗi đại lý có thể thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng/năm. Được biết, tóc sau khi được chải mượt, gỡ rối sẽ có khách hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Châu Âu... đến tận nơi mua, tuy nhiên khách hàng Trung Quốc vẫn là chủ yếu. Sau khi được chuyển ra nước ngoài, tóc dài sẽ được sử dụng để làm tóc giả, còn tóc vụn được tái chế để sản xuất băng đĩa. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn khách hàng từ Hà Nội, Quảng Ninh và các thành phố lớn trong nước về chọn mua tóc để phục vụ nhu cầu nối tóc làm đẹp của chị em.
Những khó khăn, vất vả phía trước
Thành công nào cũng phải được đánh đổi từ những giọt mồ hôi và nước mắt. Để có được cuộc sống ấm no, sung túc như ngày hôm nay, người dân Thiệu Tổ đã phải cố gắng không ngừng, tìm đủ mọi cách để khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống.
Chị Bích, người đã gắn bó với nghề hơn chục năm nay, chia sẻ: “Nghề buôn tóc tưởng là nhàn hạ nhưng thực ra rất vất vả. Chúng tôi phải rời khỏi nhà từ sáng sớm, rồi đi khắp các ngóc ngách, hang cùng ngõ hẻm của các làng quê, các tỉnh thành trong nước, thậm chí sang cả Lào và Campuchia để tìm mua tóc. Những hôm thời tiết mát mẻ thì không sao, nhưng những hôm trời nắng gắt hay mưa to gió lớn thì mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề”. Ông Hoàng Hải Hường - Bí thư chi bộ thôn cho biết thêm, từ ngày nghề buôn tóc phát triển mạnh, thôn Thiệu Tổ vắng vẻ hơn nhiều vì các gia đình hầu như chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Nhiều gia đình phải gửi con cái ở nhà cho ông bà trông. Có nhiều người vào miền Nam thu mua tóc từ 3 - 6 tháng mới về nhà một lần, ăn nghỉ ở khắp các nhà trọ như “những con sâu đo”. Tóc mua xong sẽ được đóng gói chuyển ra Bắc. Một năm, những người làm nghề buôn tóc về nhà được vài ba lần nhân dịp giỗ, tết, thăm con cái, bố mẹ, có người thì biệt tăm cả năm trời.
Nghề buôn tóc cũng đòi hỏi sự nhạy bén và am hiểu thị trường. Ông Nguyễn Đức Vượng cho biết, trọng lượng của tóc tính từng hoa (giống như vàng) nên người bán luôn nghĩ ra nhiều cách để tăng trọng lượng. Nếu người mua không nhanh nhạy, tinh tường thì chỉ cần hao hụt một vài lạng cũng lỗ vốn. Bên cạnh đó, người làm nghề phải rất tinh mắt mới có thể phân biệt được tóc nhuộm và tóc giả. Đi chợ mua tóc cũng không phải là việc đơn giản. Thuyết phục người bán đã khó, cắt quá ngắn hay quá dài không đúng ý họ còn dễ bị to tiếng, phàn nàn. Không những thế, tóc bảo quản lâu ngày cũng sẽ dễ bị hao hụt. Nếu không may bị ngấm nước, tóc còn bị mủn và mất giá...
Dù khó khăn là vậy, nhưng người dân Thiệu Tổ vẫn luôn năng động, cần mẫn tìm tòi, xoay sở đủ cách để lao động và làm giàu chính đáng.
Tích cực tham gia hoạt động xã hội
Dù cùng làm nghề buôn tóc nhưng người dân trong thôn Thiệu Tổ luôn đoàn kết, giúp đỡ và ủng hộ nhau; không có chuyện đấu đá, cạnh tranh hay giành giật khách hàng. Ông Hoàng Xuân Thành - Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam – dioxin thôn Thiệu Tổ cho biết: “Gia đình chị Hoàn cũng như rất nhiều gia đình khác trong thôn Thiệu Tổ rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Mỗi khi thôn xóm có sự kiện hay phong trào gì, mọi người đều sẵn lòng góp công, góp sức”.
Sưu tầm