Yên Bái là tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, một trong những nơi có vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa thu hút khách du lịch thập phương đó chính là địa danh Suối Giàng.
Chè Shan tuyết Suối Giàng phát triển tự nhiên, chẳng cần bón phân hay chăm sóc đặc biệt nào mà vẫn cứ đâm trồi nảy lộc xanh biếc.
Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12 km về phía Bắc, với diện tích tự nhiên 5.922 ha, bao gồm 4 thành phần tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5%, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy các giá trị văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo. Đây chính là sự khác biệt tạo cho Suối Giàng có tiềm năng để trở thành khu du lịch- nghỉ mát, du lịch sinh thái của vùng phía Tây nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Suối Giàng nằm ở độ cao trên 1.371 m so với mặt nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quang năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ từ 80C-90C. Nếu như mùa hè ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn nhiệt độ từ 340C-350C thì ở Suối Giàng chỉ khoảng từ 25-260C. Một ngày ở Suối Giàng ta cảm nhận rõ được bốn mùa trong năm. Ban đêm trời se lạnh, sáng ra mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng, sườn núi, buổi trưa trời trong xanh lộng gió và buổi chiều nắng vàng trải mượt như rót mật, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt.
Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những ruộng lúa bậc thang cong cong theo vạt núi, phóng tầm mắt xuống biển lúa vàng óng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ 2 vùng Tây Bắc và một thị xã Nghĩa Lộ đầy năng động. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên, là những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái còn được bảo tồn ở Văn Chấn. Du khách đến đây không chỉ có thể phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể được cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách, hoặc cùng chiêm nghiệm và hòa với không khí bí ẩn linh thiêng trong lễ cấp sắc của người Dao, rộn ràng trong những ngày hội xuân, ấm áp trong lễ mừng cơm mới của người Thái...
Đi ngược lên khu rừng nguyên sinh Tập Lăng còn khá nguyên vẹn với nhiều thảm thực vật, động vật phong phú, hoặc phiêu du cùng thác Tập Lăng nước chảy trắng xóa. Xa xa, rừng thông mã vĩ bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng như một Đà Lạt mộng mơ.
Đến Suối Giàng bạn không khỏi ngỡ ngàng trước những rừng chè đến cả trăm năm tuổi, hương thơm nổi tiếng cả trong và ngoài nước thực sự có sức hút mãnh liệt với những du khách gần xa. Cây chè tuyết với thân cây già đến trắng phau, sừng sững và hiên ngang trước sóng gió, nắng mưa, trở thành niềm tự hào người dân nơi đây. Có nhà khoa học đã phải thốt lên rằng: “Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm và to như ở Suối Giàng, có lẽ đây là cái nôi của loài chè”. Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng sống trên độ cao 1.400 m, cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo không thể quên. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông, phủ một lớp áo trắng mờ trên búp chè săn chắc nên được gọi là chè tuyết. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén nước trà phải có: Hương thơm, vị đậm, nước xanh, và vì thế nên “cực đắt”... Chè Shan tuyết Suối Giàng rất độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị ngon hàng đầu của các loại chè đẳng cấp trên thế giới, có hương thơm thanh khiết, có cái thanh tao của văn nhân, nghệ sĩ nhưng lại có nét dân dã, bình dị của người dân miền sơn cước chất phác, đôn hậu và mến khách. Chính từ những rừng chè độc nhất vô nhị ấy đã tỏa một sức hấp dẫn đặc biệt với du khách và là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho giới văn nghệ sĩ cả nước.
Rời rừng chè cổ thụ, du khách lại bị hút hồn những nét đẹp trong văn hóa, sinh hoạt rất đặc trưng của người Mông vùng Tây Bắc. Trong tiếng gió chiều sơn cước, hòa cùng tiếng khèn Mông tạo thành một âm thanh của đại ngàn vùng cao làm mê mẩn biết bao du khách. Dẫu chưa có sự đầu tư xây dựng nhưng mỗi năm Suối Giàng vẫn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, du lịch. Đặc biệt Suối Giàng còn nổi tiếng về các loại đá cảnh ( vân hoa tim, vân xanh ) được phân bố chủ yếu ở dãy núi khỉ thuộc địa phân Giàng A, vách đá Vàng và thôn Suối Lóp. Loại đá này chỉ có ở Suối Giàng, nó không những mang vẻ đẹp về thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế rất cao.
Chính từ những đặc điểm lợi thế đó, Suối Giàng đã được UBND tỉnh Yên Bái quy hoạch thành khu du lịch sinh thái Suối Giàng phân thành các khu chức năng, gồm nơi xây dựng khách sạn, xây dựng nhà nghỉ gia đình đơn và song lập, xây chòi vọng cảnh, xây dựng đường nội bộ, quảng trường... và mạng lưới giao thông, cấp nước, điện, viễn thông.
Suối Giàng - vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa. Khu du lịch Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh mây trắng, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè Shan tuyết cổ thụ và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng tiếng hát trao duyên của các chàng trai, cô gái Mông căng tràn sức sống réo rắt gọi mời du khách và các nhà đầu tư.
Đến với Suối Giàng du khách sẽ có những phút giây thư giãn cực kì lý tưởng. Cùng với những trải nghiệm về cuốc sống dân cư và sự phát triển của sinh vật nơi đây sẽ khiến cho mọi du khách cảm thấy hài lòng. Với cảnh sắc thiên nhiên và khí hậu tuyệt đẹp, suối Giàng đang trở thành địa điểm nghỉ dưỡng thú vị cho rất nhiều du khách.
Sưu tầm