Cập nhật: 12/08/2017 14:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình hình liên quan đến Triều Tiên đang rất "nóng" khi cả Mỹ lẫn Triều Tiên không ngừng thách thức lẫn nhau bằng lời lẽ mà thoạt nghe, người ta tưởng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng “tiếng súng” đâu chưa thấy mà chỉ thấy thị trường chao đảo.

 

Theo KBS, ngày 11/8, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 650 tỷ won (568,4 triệu USD), quy mô bán ra cổ phiếu lớn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây tại Hàn Quốc.

Ngày 11/8, một số chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường châu Á đã đồng loạt lao dốc.

Theo KBS, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) giảm 39,76 điểm (1,69%) so với phiên trước, đạt 2.319,71 điểm. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 tháng rưỡi qua, kể từ phiên giao dịch ngày 24/5, chỉ số KOSPI mới lại dừng ở ngưỡng 2.310 điểm.

Tâm lý đầu tư đã bị chững lại và xấu đi nhanh chóng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 650 tỷ won (568,4 triệu USD), quy mô bán ra cổ phiếu lớn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Tình trạng này đã khiến giá cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc đồng loạt giảm.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 11 tháng qua, chỉ số KOSPI đã giảm hơn 1,5% ngay khi mở cửa phiên giao dịch (lần trước đó là vào ngày 12/9/2016 với mức giảm là 1,68% do ảnh hưởng từ vụ Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân).

Chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ kết thúc phiên giao dịch cùng ngày ở mức 628,34 điểm, giảm 11,7 điểm (1,83%) so với phiên giao dịch một ngày trước.

Tại thị trường giao dịch Thượng Hải, chỉ số Shanghai có một ngày giao dịch mất điểm nhiều nhất kể từ tháng 12/2016. Chốt phiên, chỉ số tổng hợp Shanghai Composite Index giảm 1,63%, còn 3.208,54 điểm. Sắc đỏ cũng tràn ngập trên các bảng thông báo chỉ số chứng khoán của Hong Kong. Chỉ số Hang Seng chốt phiên 11/8 mất 2,04%, còn 26.883,51 điểm.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á phản ánh rõ ràng tâm lý quan ngại của các nhà đầu tư về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Nhiều hãng tin trên thế giới dẫn phân tích của các nhà nghiên cứu cho rằng nếu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên xảy ra, ngoài thiệt hại lớn nhất là nhân mạng, nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu tác động không nhỏ.

Chẳng hạn, nguồn cung và hoạt động sản xuất của hàng loạt sản phẩm từ điện thoại thông minh, xe hơi cho tới TV màn hình phẳng… sẽ chịu tác động mạnh, gây tổn thất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và đẩy giá cả tăng cao. Đó là do Hàn Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng giúp duy trì hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử.

Hàn Quốc là nước sản xuất lớn nhất thế giới màn hình tinh thể lỏng sử dụng cho TV và các thiết bị điện tử khác, chiếm tới 40% sản lượng màn hình tinh thể lỏng của thế giới; là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ nhì thế giới; là một trong những nước sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới và sở hữu 3 công ty đóng tàu lớn nhất thế giới…

Tiếp đó, các tuyến vận tải biển cũng bị... vạ lây, nhất các tuyến đường biển quan trọng ở phía Đông của Trung Quốc - nước có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.

Với nước Mỹ, các nhà phân tích cho rằng những tổn thất có thể rất lớn.

Còn đối với Nhật Bản, đồng yên sẽ tăng giá gây thiệt hại cho lợi nhuận doanh nghiệp và cản trở kế hoạch kích thích lạm phát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Do lo ngại tình hình Triều Tiên, các nhà đầu tư đã mạnh tay mua vào những tài sản an toàn, trong đó có đồng Yên Nhật, khiến đồng tiền này tăng giá.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giới phân tích đều cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh Mỹ-Triều Tiên không phải là lớn. Thực tế là nhiều đợt căng thẳng trước đây giữa hai bên đã lắng xuống sau khi bị đẩy cao.

Thanh Xuân (tổng hợp)/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm