Cập nhật: 30/08/2017 14:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trở về huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vào những ngày kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trên những con đường rải bê tông khang trang vào tận các ngõ xóm, nhà cửa san sát, gọn gàng làm bức tranh cuộc sống vùng quê bên bờ bắc sông Hồng nhộn nhịp, trù phú. Vĩnh Tường đã có 18/26 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trong năm tới; thu nhập bình quân đạt trên 32 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,34%, phấn đấu đến năm 2020 không còn hộ nghèo.


Bài 1: Tự hào truyền thống vẻ vang

Vĩnh Tường là huyện nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng ở về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích tự nhiên gần 142 km2, gồm 26 xã và 3 thị trấn với dân số gần 20 vạn người. Phía Tây Bắc, Vĩnh Tường lấy sông Phó Đáy (còn có tên là sông Quả) làm ranh giới với xã Triệu Đề và xã Sơn Đông của Lập Thạch. Phía Tây bắt đầu từ xã Việt Xuân, Vĩnh Tường có con sông Hồng làm ranh giới tự nhiên với Việt Trì và Sơn Tây, kéo dài tới xã Vĩnh Ninh ở cực Nam huyện. Phía Tây Bắc, Vĩnh Tường giáp với xã Hoàng Lâu, Vân Hội, Hợp Thịnh thuộc huyện Tam Dương. Phía Đông huyện Vĩnh Tường hoàn toàn tiếp giáp với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Là vùng đồng bằng phù sa cổ, Vĩnh Tường là một trong những địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc sớm có người đến sinh tụ. Nằm ở vùng chuyển giao giữa châu thổ và trung du Bắc Bộ nên vùng đất Vĩnh Tường là nơi trầm tích những dấu vết của nền văn minh sông Hồng thời tiền sơ sử. Phần lớn các di chỉ khảo cổ học được phát hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nằm ở các xã phía Bắc của huyện, bởi địa hình nơi đây giáp với miền núi nên người Việt cổ đã chọn và cư trú dưới chân đồi, núi đất, trên các doi đất cao gần sông, ngòi. Trong tổng số 18 di chỉ văn hóa thời Phùng Nguyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát hiện và công bố, riêng huyện Vĩnh Tường đã có 7 di chỉ. Trong đó tiêu biểu nhất là di chỉ Lũng Hòa (thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa) được phát hiện tháng 4 năm 1963, di chỉ Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng) cũng phát hiện năm 1963, khai quật năm 1967. Các di chỉ này thuộc giai đoạn cuối thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên chuyển tiếp sang thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (Yên Lạc), được các nhà khoa học đánh giá và gọi là giai đoạn Lũng Hòa hay Phùng Nguyên muộn (Hán Văn Khẩn – trường ĐH KHXH nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội). Đó là di chỉ cư trú và mộ địa lớn, công cụ văn hóa thu được gồm có rìu bôn, đục, hoa tai, hạt chuỗi đá. Nhiều hiện vật gốm còn nguyên vẹn.

Bên cạnh đó là các di tích và địa điểm khảo cổ học khác như: di tích Gò Mát ở phía Tây Bắc thôn Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, cách di chỉ Lũng Hòa khoảng 800m, được phát hiện năm 1972 và đã đào hố thám sát 1m2; di tích Đồng Hương thuộc thôn Hương Viên (Phương Viên), thị trấn Thổ Tang, được phát hiện năm 1978, chưa qua thám sát, khai quật; di tích Ma Cả thuộc thôn Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, đã điều tra thám sát, chưa khai quật; gò Đồng Cũ ở xã Lũng Hòa, Gò Đuông ở xã Bồ Sao, Bãi Mía ở xã Vĩnh Sơn; các địa điểm ở xã Vũ Di…

Những phát hiện khảo cổ học trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cho thấy vùng đất này từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Việt cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách ngày nay chừng 4.000 năm đến 3.500 năm, mở đầu cho các văn hóa tiền Đông Sơn.

Cũng qua các di chỉ khảo cổ này đã cho thấy, các cư dân đầu tiên của Vĩnh Tường đã biết tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, lấy trồng trọt và chăn nuôi làm hai nghề sản xuất chính duy trì cuộc sống. Dựa trên nền tảng từ nền kinh tế sơ khai đó để hàng ngàn năm sau Vĩnh Tường vẫn là một vựa lúa, là nơi có sản lượng lương thực và thực phẩm lớn của Vĩnh Phúc.

Sau giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, thời kỳ Hùng Vương dựng nước, Vĩnh Tường thuộc bộ Văn Lang – kinh đô của nhà nước Văn Lang, được cai quản dưới triều đại Hùng Vương. Các tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái đều chép rằng, nhà nước Văn Lang có 15 bộ phân bố rộng khắp. Đến thời Thục Phán An Dương Vương lập nước Âu Lạc, Vĩnh Tường lại trở thành “ngoại ô”, là “phên dậu” ở phía Tây Bắc của kinh đô Cổ Loa. Trong suốt gần một ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, Vĩnh Tường thuộc về quận Giao Chỉ. Đến thời Lý (1009 - 1225), Vĩnh Tường thuộc về lộ Quốc Oai (Sơn Tây cũ và Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay). Sang thời Trần và thuộc Minh (1226 - 1427), đất đai của Vĩnh Tường thuộc châu Tam Đới, lộ Đông Đô. Những năm đầu của nhà Lê Sơ, Vĩnh Tường thuộc Tây Đạo, đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) thuộc thừa tuyên Quốc Oai.... Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), phủ Tam Đới đổi tên thành phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng, Phù Ninh). Tên gọi Vĩnh Tường chính thức từ đó.

Năm 1899, thành lập tỉnh Vĩnh Yên, phủ Vĩnh Tường là một đơn vị độc lập, không bao gồm các huyện, song vẫn còn kiêm lý huyện Bạch Hạc. Phủ Vĩnh Tường khi đó gồm có 8 tổng, 73 làng. Huyện Bạch Hạc, do tri phủ Vĩnh Tường kiêm nhiệm cai quản có 2 tổng, 14 làng (theo sách Đồng khánh địa dư chí vào cuối thế kỷ XIX). Năm 1927, phủ Vĩnh Tường gồm 10 tổng: Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Mộ Chu, Nghĩa Yên, Tang Giá (Tang Đố), Thượng Trưng, Tuân Lộ với 85 làng, xã.

Sau khi cách mạng tháng 8 (1945) thắng lợi, phủ Vĩnh Tường được thay thế bằng huyện Vĩnh Tường. Trải qua nhiều biến động lịch sử và những thay đổi về hành chính thì đến nay địa danh Vĩnh Tường đã ghi sâu vào tiềm thức người dân Vĩnh Phúc như là một trong các vùng đất cổ giàu truyền thống, văn hiến.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta vô cùng tự hào với truyền thống vẻ vang của quê hương Vĩnh Tường. Tiếp nối sự nghiệp Hùng Vương, hình ảnh nữ tướng Lê Ngọc Trinh, người con quê hương Lũng Hòa (Vĩnh Tường), với tài thao lược, vào những năm đầu Công nguyên, đã phò giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, thu lại 65 thành trì, được Vua Bà phong chức Đại tướng quân, và ban tặng 8 chữ “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần”.

Dưới triều Lý Cao Tông, Vĩnh Tường có tướng quân Nguyễn Văn Nhượng, quê Tứ Trưng, đã có công cầm quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành, góp phần giữ yên bờ cõi Đại Việt.

Thời nhà Trần, trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2, thứ 3, nhân dân Vĩnh Tường đã giúp tướng Trần Nhật Duật tổ chức nhiều trận chiến đấu gan dạ, anh dũng, bảo toàn lực lượng và đánh thắng quân giặc ở khu vực Bạch Hạc, cùng với cả dân tộc lắng sâu vào ý thơ của vua Trần Nhân Tông: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá; Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhân dân Vĩnh Tường đã hăng hái tham gia chiến đấu, cùng nghĩa quân Lê Lợi lập nên những chiến công hiển hách ở Bình Lệ Nguyên, Cầu Sa Lộc, thành Tam Giang cùng với cả dân tộc cất vang lời Đại cáo: “Nghìn năm vết nhục nhã sạch làu; Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.

Thời thuộc Pháp, truyền thống yêu nước đó một lần nữa lại được người dân Vĩnh Tường tiếp nối, với những tên tuổi ghi vào lịch sử, như Đội Cấn, quê Vũ Di - lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; Nguyễn Thái Học, quê Thổ Tang - lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước, lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, tuy thất bại nhưng khí phát hiên ngang của ông cùng 12 đồng đội trước pháp trường xử chém của thực dân Pháp tại Yên Bái còn lưu mãi ngàn năm.

Người chiến sĩ Cộng sản Lê Xoay (Vũ Di, Vĩnh Tường), Bí thư Chi bộ Đảng cộng sản phụ trách phong trào tỉnh Vĩnh Yên (ông được coi là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) hy sinh khi đang tổ chức treo cờ, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng nhân ngày Quốc tế Lao động 1 - 5- 1942, đã nêu một tấm gương trọn đời hiến dâng cho lý tưởng cách mạng, cho Tổ quốc.

Anh hùng Nguyễn Viết Xuân thời chống Mỹ còn vang vọng mãi khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!", đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần và ý chí quật cường của tuổi trẻ cả nước, quyết không run sợ và khuất phục trước kẻ thù hung bạo.

Là vùng đất văn hiến, Vĩnh Tường có nhiều người học rộng, tài cao, vinh hiển và đỗ đạt. Văn miếu phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường), xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV), là một trong các văn miếu sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó là hệ thống các văn từ (cấp tổng), văn chỉ (cấp xã) được cho là có số lượng nhiều nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài chức năng là nơi thờ các vị tiên thánh của Nho giáo (đạo học chính thời Phong kiến), thì văn miếu, văn từ hay văn chỉ còn là nơi ghi danh, ghi dấu và tôn vinh, đề cao sự học, phải là vùng đất hiếu học, đỗ đạt, khoa bảng thì mới có hệ thống thờ tự này. Chính vì vậy mà khi nhắc đến Vĩnh Tường là nhắc đến một trong những vùng đất có truyền thống hiếu học của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời kỳ phong kiến tự chủ, Vĩnh Tường có tới 24 vị đỗ tiến sĩ, 250 vị đỗ cử nhân, các làng xã nổi tiếng có người đỗ đạt thành danh là: Tứ Trưng, Thượng Trưng, Vũ Di, An Tường. Nhiều người được lưu danh trên bia đá ở Văn miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội như: Phí Văn Thuật, Phí Quốc Thể, Bùi Công Tổn (Thượng Trưng), Nguyễn Tiến Sách (Tứ Trưng), Tô Thế Huy (Cao Đại),… Có người làm quan tới chức Thừa tuyên sứ như Bùi Hoằng, Lê Dĩnh (Thượng Trưng), Thượng thư Bộ Hộ Hoàng Bồi (Cam Giá), Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Chất (Vũ Di),…

Truyền thống yêu nước, hiếu học ở Vĩnh Tường được các thế hệ kế tiếp nhau trân trọng, gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần làm rạng danh trang sử vẻ vang của tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm