Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng vừa ký công văn về triển khai hoạt động thanh tra năm học mới 2017-2018, gửi các sở GD-ĐT.
Trong đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương khi xây dựng kế hoạch thanh tra, cần bám sát việc thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp chủ yếu của ngành. Nội dung thanh tra tập trung vào việc chia tách, sáp nhập trường, lớp, điểm trường. Ngoài ra, công tác thanh tra chú trọng đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường; dạy thêm học thêm; thu chi tài chính; thi tuyển sinh đầu cấp; liên kết đào tạo…
Để thực hiện công tác thanh tra hiệu quả, kế hoạch thanh tra cần được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; không thanh tra toàn diện nhà trường và hoạt động sư phạm nhà giáo. Kế hoạch thanh tra cần phân định rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; phải nêu cụ thể nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời gian thanh tra, đơn vị phối hợp.
Quá trình thực hiện thanh tra, mỗi đoàn thanh tra bố trí số lượng thành viên phù hợp với nội dung và thời gian thanh tra. Trong một cuộc thanh tra, mỗi đoàn (hoặc nhóm) chỉ thanh tra không quá 3 đơn vị; có thể thanh tra nhiều nội dung tại một đơn vị hoặc một số nội dung tại nhiều đơn vị. Kết luận thanh tra phải chỉ rõ những việc đã làm được, những thiếu sót, sai phạm (nếu có); xác định rõ trách nhiệm và kiến nghị xử lý, khắc phục, căn cứ tính chất từng cuộc thanh tra để thực hiện công khai kết luận thanh tra. Các sở GD-ĐT tổ chức cập nhật thông tin phản ánh những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý, dạy và học trên địa bàn… tiến hành xác minh, xử lý kịp thời…
Theo XUÂN KỲ/nhandan.com.vn