Siêu bão Irma đang hoành hành tại Caribe đã khiến hàng loạt cảng dầu mỏ tại khu vực phải đóng cửa, khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiên liệu cho khu vực Mỹ Latinh, vốn bị ngắt quãng trong vòng 2 tuần nay do bão Harvey gây ra trước đó, trở nên trầm trọng hơn.
Bão Irma - cơn bão được cho là mạnh nhất trong gần 100 năm qua ở Đại Tây Dương – đang chuẩn bị tiếp tục tràn vào những khu vực khác như Cuba, Mỹ, Haiti.
Nhiều công ty kinh doanh xăng dầu đã chuyển một phần lượng hàng tồn kho dầu thô từ Mỹ sang Caribe trước khi siêu bão Harvey đổ bộ để bảo đảm nguồn cung cho khách hàng. Tuy nhiên, những tuyến đường vận chuyển nhiên liệu chính từ Mỹ sang Mexico và các quốc gia khác hiện vẫn chưa thể mở lại, khiến cung không thể đáp ứng cầu. Theo giới chuyên gia, siêu bão Irma, kèm theo 2 cơn bão khác tại Đại Tây Dương là Katia và Jose, đến đúng thời điểm khó khăn đã đe dọa các nhà máy lọc dầu, cảng nhiên liệu và việc xây dựng các kho chứa tại Caribe.
Trước đó, siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ - nhà cung cấp nhiên liệu chính cho khu vực Mỹ Latinh - khiến sản lượng dầu khí của nước này tại Vịnh Mexico giảm 22% và nhiều cảng biển chính tại bang Texas phải đóng cửa dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá xăng dầu tại Mexico và nhiều quốc gia trong khu vực tăng cao.
Do ảnh hưởng của bão Irma, chốt phiên giao dịch ngày 7/9, thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang. Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 21.784,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm gần 0,1%, chốt phiên ở mức 2.465,1 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng thêm 0,1% lên 6.397,87 điểm.
Giá cổ phiếu các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty truyền thông cũng sụt giảm. Theo đó, giá cổ phiếu của Insurer Travelers giảm 1,6% trong khi giá cổ phiếu của công ty tái bảo hiểm Everest Re giảm 6,8%.
Công ty điện và ánh sáng Florida (FPL), Mỹ cho biết sẽ đóng cửa 2 nhà máy điện hạt nhân Turkey Point và St. Lucie, nằm dọc bờ biển Đại Tây Dương, vốn cung cấp điện cho khoảng 1,9 triệu hộ dân ở bang Florida trước khi bão Irma đổ bộ vào bang này. Theo đó, nhà máy Turkey Point sẽ đóng cửa vào tối 8/9 và nhà máy St. Lucie sẽ đóng cửa sau đó 12 giờ. FPL cho biết đã đầu tư 3 tỷ USD để bảo vệ hệ thống đường dây điện của công ty này kể từ năm 2005, song không có đường dây nào chịu được siêu bão, do đó, nếu Irma vẫn di chuyển theo hướng hiện nay, nhiều khách hàng của FPL sẽ phải chịu cảnh mất điện.
Khoảng 26 triệu người bị ảnh hưởng
Dự báo sẽ có khoảng 26 triệu người chịu ảnh hưởng từ bão Irma. Cơn bão này hiện đã nhấn chìm nhiều khu vực ở Caribe.
Sau khi gây thiệt hại nặng nề tại một số quốc gia vùng biển Caribe, bão Irma - cơn bão được cho là mạnh nhất trong gần 100 năm qua ở Đại Tây Dương – đang chuẩn bị tiếp tục tràn vào những khu vực khác như Cuba, Mỹ, Haiti. Dự báo, nhiều khu vực trũng thấp có thể bị nhấn chìm trước sự tàn phá của trận bão này.
Bão Irma hiện đã ảnh hưởng cuộc sống của 1,2 triệu người. Con số này sẽ còn tăng lên thành 26 triệu người sau khi cơn bão này tiếp tục càn quét các vùng đất khác.
Cuba trong ngày 7/9 đã sơ tán khoảng 51.000 khách du lịch tại một số điểm nghỉ mát ở khu vực duyên hải phía bắc nước này.
Nhiều nước trong khu vực như Anh, Pháp và Hà Lan đã cử các tàu thuyền và các đội cứu hộ cùng các phương tiện ứng cứu khẩn cấp tới hỗ trợ các quốc gia khu vực Caribe và những khu vực có lãnh thổ hải ngoại của nước này.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Anh Theresa May nói: “Chúng ta phải hành động. Có nhiều công dân Anh đang sinh sống tại đảo Turks và Caicos. Chúng tôi sẽ cử các tàu cứu hộ và các chuyên gia cứu hộ có kinh nghiệm tới đây. Chúng tôi sẽ xem xét và đánh giá tình hình để có thể hỗ trợ người dân kịp thời”.
Tuy nhiên, nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn do các sân bay và cầu cảng vẫn đang trong tình trạng bị đóng cửa.
Hiện tại ở Đại Tây Dương, ngoài 2 cơn bão Irma và Joe, còn có cơn bão Katia mạnh cấp 1 hình thành ở phía tây nam Vịnh Mexico. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2010 cùng lúc có 3 cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương.
An Bình (tổng hợp)/Chinhphu.vn