Cập nhật: 10/09/2017 14:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cảnh trong phim “Yêu đi, đừng sợ!”.

Vẫn tồn tại một nguyên tắc bất di bất dịch, ai cũng biết nhưng để làm được không dễ. Đó là, một bộ phim hay được người xem đón nhận phải có câu chuyện gần gũi với họ, nói về những gì họ đang quan tâm, và thể hiện bằng tinh thần dân tộc, nhân văn dưới hình thức mới lạ, độc đáo.

Chiếc cọc giữa vòng nước xoáy?

Sau thành công của Em là bà nội của anh, có nhiều bộ phim đã và đang được các nhà sản xuất trong nước hợp tác với nhà đầu tư Hàn Quốc mua bản quyền làm lại như Sắc đẹp ngàn cân, (tên gốc 200 beauty pounds), Yêu đi, đừng sợ! (tên gốc Spell bound), Cô nàng ngổ ngáo (tên gốc My Sassy Girl), Ngựa hoang (tên gốc Sunny)... Từ thực tế này, có thể nói, cơn sốt làm lại phim ăn khách của Hàn Quốc đã trở thành một xu hướng, gọi là phim remake và nhận được nhiều ý kiến khác nhau, cả ở người làm nghề cũng như giới truyền thông.

Có ý kiến cho rằng, đây phải chăng là giải pháp tạm thời nhằm lấp lỗ hổng thiếu phim Việt cho khán giả Việt, khi mà thị trường cung chưa đủ để đáp ứng cầu. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, việc Việt hóa kịch bản nước ngoài chính là để giải quyết khâu thiếu kịch bản hay - yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của một dự án phim. Có thể nói, kinh doanh phim ảnh luôn là bài toán khó giải đối với các nhà làm phim, dù họ có kinh nghiệm lâu năm, có tài và nổi tiếng, nhưng đứng trước mỗi dự án mới, không ai đoán chắc mình sẽ thành công. Cho nên - với họ - cái được của phim làm lại là: Xét trong điều kiện sản xuất phim của chúng ta hiện nay, chọn phim để làm lại là công việc vừa sức và trong tầm tay. Các nhà làm phim này mong, qua đó sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực khi khán giả ngày càng yêu thích và lựa chọn xem phim được sản xuất trong nước hơn. Đồng thời, nhà sản xuất, ê-kíp làm phim gồm đạo diễn và diễn viên Việt Nam sẽ có ít nhiều trải nghiệm nghề nghiệp từ những dự án phim làm lại này do mỗi dự án đều có sự giám sát của ê-kíp đến từ Hàn Quốc.

Thông thường, các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng thường mua lại kịch bản gốc của các nước khác, sau đó mời đạo diễn, diễn viên trong nước tham gia, với bối cảnh được thực hiện trong nước và sử dụng ngôn ngữ của mình. Hollywood từng mua lại phim Vô gian đạo của Hồng Công (Trung Quốc) để làm thành Điệp vụ Boston, đồng thời cũng mua Seven Samurai của Nhật để làm nhiều phiên bản Bảy tay súng huyền thoại...

Đừng “mất gốc” trên sân nhà!

Tuy nhiên, trong nhiều thập niên qua, với hàng nghìn bộ phim được sản xuất trên thế giới mỗi năm thì số lượng phim làm lại không nhiều. Điều đó cho thấy phim làm lại không và chưa bao giờ là xu hướng của các nền điện ảnh phát triển, chưa kể có một số phim thất bại khi làm lại.

Chính vì thế, cần phải cân nhắc tới khía cạnh làm lại một bộ phim ăn khách của nước ngoài không hẳn là giải pháp an toàn cho các nhà sản xuất trong nước nếu bộ phim đó có những yếu tố không phù hợp với văn hóa, sở thích của người Việt Nam. Ngoài ra, hạn chế còn ở chỗ: Nếu như phim gốc đã từng lay động trái tim của khán giả rồi thì khi làm lại, các nhà làm phim remake cần phải một lần nữa khiến cho con tim họ “động đậy”. Rõ ràng áp lực đặt trên vai đạo diễn và diễn viên là gấp đôi. Nếu không có bản lĩnh, họ sẽ bị đánh rơi cái tôi của mình, “copy” nguyên gốc bản chính, tự biến mình thành bắt chước, không có sự sáng tạo, lâu dần thành ra mòn nghề, trình độ làm phim vì thế sẽ không có cơ hội nâng cao lên.

Mặt khác, khi chọn những dự án remake, các nhà đầu tư Hàn Quốc thường tính toán mức kinh phí ngang với mặt bằng làm phim ở Việt Nam chứ không so với chi phí bộ phim gốc được sản xuất ở Hàn Quốc, mà con số này dĩ nhiên lớn hơn rất nhiều. Tiền ít đi, nhưng phải giữ nguyên trách nhiệm phim hay bằng phim cũ hoặc hay hơn càng tốt, đây cũng là áp lực cho ê-kíp người Việt với cách làm việc và tư duy khác biệt. Điều này rất dễ xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên nếu không tìm được tiếng nói chung.

Tại cuộc họp báo giới thiệu Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Ban tổ chức đã nói rõ về điều kiện dự thi đối với những phim làm lại (remake): Không được tranh giải Bông sen Vàng Phim xuất sắc nhất mà chỉ xét trao ở hạng mục Giải thưởng cá nhân. Điều đó là hoàn toàn hợp lý, đồng thời cho thấy xu hướng tiếp nhận phim remake của điện ảnh Việt nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi sẽ thế nào nếu các nhà sản xuất phim trong nước cứ mải mê với việc làm lại phim và các đạo diễn, diễn viên Việt Nam cứ ngày này qua tháng khác đến trường quay của các phim làm lại?

 

Theo THỦY TIÊN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm