Qua những biến thiên của lịch sử, có những lúc làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) đứng trước nguy cơ thất truyền. Vậy nhưng, với bàn tay và khối óc tài hoa của những nghệ nhân, làng gốm Thanh Hà nay không chỉ là làng gốm nổi tiếng mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Ngày nay, người dân Thanh Hà đã làm được việc xưa nay hiếm: vừa lưu giữ được nghề truyền thống, vừa làm giàu từ nghề gốm.
Theo trí nhớ của các bậc cao niên, nghề làm gốm ở Thanh Hà bắt đầu từ thế kỷ 15, khi những người ở Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư, định cư và mang theo nghề làm gốm.
Ban đầu, nghề gốm sản xuất tại làng Thanh Chiêm (nay là khối phố 6 phường Thanh Hà) nhưng do không hợp phong thủy nên người dân dời sang làng Nam Diêu (khối phố 5 phường Thanh Hà).
Cái tên “Nam Diêu” có nghĩa là lò gốm ở phía Nam. Nhiều thế kỷ qua, gốm và gạch ngói Thanh Hà có mặt khắp nước. Thậm chí, khi thuyền buôn nước ngoài có mặt ở thương cảng Hội An, gốm Thanh Hà đã kịp vươn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha...
Nghệ nhân làng gốm trình diễn trước du khách
Trong Phủ Biên Tạp Lục, nhà bác học Lê Quý Đôn có đề cập gốm “Cochi”, “Cauchi” (Giao Chỉ) mà người nước ngoài ưa chuộng, có cả gốm Thanh Hà xứ Quảng.
Từ thế kỷ XVII, người Nhật xây dựng Hội An thành làng gốm Thanh Hà sản xuất thêm gạch ngói. Gốm và gạch ngói Thanh Hà không chỉ phục vụ nhu cầu địa phương và vùng lân cận mà còn trở thành mặt hàng mua bán cả xứ Đàng Trong.
Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân làng gốm Thanh Hà ra Huế xung vào đội thợ xây dựng cố cung. Có người được vua phong đến hàm Bát phẩm, là những Chánh Ca, Bát Luyện.
Hiện nay cả làng chỉ còn 8 lò gốm với khoảng 35 lao động, trong đó mươi thợ giỏi: Bùi Liêu, Ban Sáu, Nguyễn Vinh, Nguyễn Cử, Nguyễn Sao, Lê Phát… Riêng nghề sản xuất gạch ngói có 74 hộ với 455 lao động tập trung ở khối phố 3, 4, 5, 6 phường Thanh Hà.
Nghệ nhân cao tuổi nhất làng gốm Nguyễn Thị Được (94 tuổi) cho biết, cụ theo nghề từ thuở lên 10. Có lúc cả làng làm gốm, người người làm gốm. Nhà nào cũng có mấy bàn xoay, có lò nung; có lúc sản phẩm không ai mua.
Nhưng gần 20 năm gần đây, khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, người làng quay lại làm gốm thủ công bán cho du khách. Mỗi ngày, làng gốm Thanh Hà đón hàng trăm, hàng ngàn lượt khách tham quan.
Nhờ vậy, người dân nơi đây có thể làm giàu từ nghề truyền thống. Ngoài 40% giá vé tham quan do Trung tâm Văn hóa- Thể thao TP Hội An giữ lại phục vụ khâu quản lý nhà nước, xúc tiến hoạt động thương mại - du lịch, đầu tư cho con người…, 60% còn lại được giao cho phường Thanh Hà quản lý. Nguồn này được chi vào khâu quảng bá, bảo vệ môi trường, nghệ nhân và người lao động phục vụ làng nghề.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An, cho biết: Khi người dân Thanh Hà được hưởng lợi thì việc bảo tồn các yếu tố gốc của làng nghề, văn hóa truyền thống, tập quán sinh hoạt cộng đồng được bảo tồn… sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Thành phố muốn phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn không gian văn hóa, sinh hoạt truyền thống, cảnh quan và cấu trúc làng nghề. Nhờ phố cổ Hội An, khâu quảng bá, xúc tiến, liên kết với doanh nghiệp phát triển du lịch tại Thanh Hà tương đối thuận lợi nhiều năm qua.
Độc đáo Công viên Đất nung Thanh Hà
Nằm giữa trung tâm làng gốm Nam Diêu (phường Thanh Hà), Công viên Đất nung Thanh Hà (ảnh), tọa lạc trên diện tích 7.000m2, hoạt động từ 2016, do kiến trúc sư trưởng Nguyễn Văn Nguyên và các kiến trúc sư Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Sinh Long thực hiện.
Là công viên gốm đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, nơi đây trở thành trại sáng tác điêu khắc, hội họa của nghệ sĩ tạo hình, sinh viên mỹ thuật và trưng bày gốm Việt. Công viên dành nhiều không gian giới thiệu sản phẩm, con người, lịch sử làng gốm Thanh Hà.
ST