Cập nhật: 27/09/2017 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất nhiều vấn đề đang đặt ra đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh cần quan tâm giải quyết, trong đó có vấn đề liên kết để phát triển du lịch.

 

Tam Đảo, địa điểm được nhiều du khách lựa chọn mỗi khi đến Vĩnh Phúc. Ảnh Khánh Linh

Nằm ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng châu thổ Sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc, vị trí địa lý đã tạo cho Vĩnh Phúc cả 3 vùng sinh thái là: Đồng bằng, trung du và miền núi, với nhiều cảnh thắng thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đầm Vạc, Đại Lải, Đầm Rưng… Trải qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nơi đây còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử độc đáo có giá trị cao như: Tây Thiên, nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam; khu di chỉ Đồng Đậu (Yên Lạc); đền thờ Trần Nguyên Hãn, Tháp Bình Sơn (Lập Thạch)… Trong đó, khu Danh thắng Tây Thiên và Tháp Bình Sơn được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt với nhiều giá trị tâm linh, kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó, với hệ thống các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, phong phú phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đá, nuôi rắn, mây tre đan… cùng với mạng lưới giao thông được đầu tư đã tạo thuận lợi cho Vĩnh Phúc phát triển du lịch.

Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên kết ngành, liên kết vùng cao, do vậy tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hà Giang và một số tỉnh phía Đông Bắc, tạo nên nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn như: Tam Đảo - Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử gồm: Tam Cốc, Bích Động - Cúc Phương - Hà Nội - Ba Vì - Đền Hùng - Đại Lải - Tam Đảo - Hồ Núi Cốc - Chiến khu ATK Việt Bắc - Hồ Ba Bể; Tam Đảo - Sơn Dương - Chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang)... góp phần không nhỏ khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo động lực cho phát triển du lịch của vùng và khu vực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh với các địa phương khác nhìn chung vẫn còn manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp, tự phát và mang nặng lợi ích địa phương. Do vậy, nhiều sản phẩm du lịch giữa các tỉnh bị trùng lặp, không phát huy được thế mạnh đặc thù sản phẩm du lịch của vùng. Tính định hướng, đầu mối thực hiện, công tác liên kết trong quy hoạch còn thiếu tổng thể. Hoạt động quảng bá du lịch còn mang tính riêng lẻ, không cùng chủ đề, chủ điểm, hình ảnh thống nhất dẫn đến kém hiệu quả; nhiều hoạt động liên kết vẫn chủ yếu mang tính hình thức, chỉ là liên kết trong việc tổ chức các sự kiện, chưa thật sự liên kết để cùng phát triển…

Có thể nói, trong xu thế hội nhập của du lịch thế giới hiện nay, việc tăng cường liên kết giữa các quốc gia, vùng, các địa phương là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết phát triển du lịch, theo ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Nghiệp vụ lu lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các địa phương trong vùng liên kết cũng như đã ký kết các thỏa thuận hợp tác cần tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ khó khăn, hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch vừa mang đặc trưng riêng của địa phương vừa là thế mạnh chung của cả vùng liên kết; tập trung liên kết đầu tư hạ tầng du lịch như: Giao thông, cơ sở lưu trú, điểm thăm quan vui chơi giải trí… nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh và các tuyến đường nối các điểm, khu du lịch nội tỉnh tại mỗi địa phương; làm tốt công tác phối hợp xúc tiến du lịch, các sự kiện tại mỗi tỉnh phải có nội dung giới thiệu, quảng bá du lịch cho tỉnh bạn và ngược lại; tăng cường liên kết đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch, bao gồm: Cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch, lao động trong doanh nghiệp hoạt động du lịch và lao động tại các điểm đến du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu, chất lượng cao và nghiên cứu xây dựng các tuyến, điểm, các khu du lịch tại mỗi địa phương, tạo điểm nhấn để nâng cao hiệu quả liên kết giữa các địa phương.

ST

Tệp đính kèm