Từ thành phố Vĩnh Yên (thủ phủ tỉnh Vĩnh Phúc), xe chúng tôi đi theo quốc lộ 2A một đoạn rồi rẽ trái vào tỉnh lộ 305 để đến với thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Quãng đường hơn 20 cây số phô bày phần nào sự sầm uất của vùng đất chỉ cách Hà Nội gần hai giờ xe.
Dăm năm gần đây, Thổ Tang giàu có hẳn lên nhờ nghề gia công hàng hóa và trở thành đầu mối lấy hàng trong khu vực. Những ngôi nhà cổ kính bị thay dần bằng dãy nhà phố bề thế. Tuy nhiên nhiều du khách vẫn thích về đây hành hương vì thị trấn còn nhiều kiến trúc tôn giáo nổi tiếng. Thu hút đông khách thập phương nhất có lẽ là chùa Tùng Lâm được xây từ thời Hậu Lê.
Nét cổ kính trong chùa Tùng Lâm
Chùa được thiết kế theo kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc bộ, gồm bảy gian với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ lim và đá. Tam quan chùa trên đỉnh có bánh xe pháp luân, ở giữa là chữ vạn, ở trên các đầu mái uốn cong của các góc đều là những linh vật gắn với bầu trời như: Rồng, Phượng, Mây.
Qua cổng tam quan là khuôn viên sân chùa với lầu quan âm tọa lạc ở góc bên trái. Quanh sân trồng nhiều cây cau cao vút tạo cho phật tử và du khách đến đây cảm thấy sự gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân. Qua năm bậc thềm từ sân lên đến tiền đường là khu vực chính của chùa, trước cửa vào là bức bình phong lớn để tránh mọi điều xấu du nhập từ bên ngoài vào chùa.
Một trong nhưng nét độc đáo của chùa Tùng Vân là hàng cột đá ngay trước tiền đường. Trên mỗi cột đá đều được chạm khắc những hoa văn mang hình tượng tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng và tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai thể hiện sự sinh sôi của bốn mùa.
Tam quan chùa Tùng Lâm với vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch
Cách chùa Tùng Lâm chỉ mấy bước chân là đình Thổ Tang – di tích lịch sử cấp quốc gia. Bước qua cổng nghi môn rộng lớn uy nghi rợp mát bóng đa cổ thụ, mái đình hiện lên rộng lớn và vững chãi, nhưng cũng rất thanh thoát và duyên dáng với màu mái ngói đỏ tươi và những dáng nét đao đình cong vắt in trên nền trời xanh trong trẻo.
Có quy mô khá đồ sộ, đình Thổ Tang gồm hai tòa kiến trúc với 60 cây cột lớn làm bằng gỗ tốt. Bên trong hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ sắc sảo, mang nội dung khái quát về chu trình: lao động - làm ăn - hưởng thụ của người dân thời Lê Trung Hưng.
Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là Ngày hội xuống đồng rồi lần lượt đến các bức Bắn thú dữ. Cảnh vui chơi giải trí có: Đá cầu, Chơi cờ, Uống rượu, Người múa. Cảnh sinh hoạt gia đình có: Trai gái tình tự, Gia đình hạnh phúc. Phê phán những thói hư tật xấu có: Đánh ghen, Vợ chồng lười… Có thể nói đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê.
Đình Thổ Tang bề thế nhờ sở hữu 60 cây cột gỗ lớn làm bằng gỗ tốt
Vật dụng trang trí cổ xưa trong đình
Điêu khắc gỗ sắc sảo trong đình
Đặc biệt, ở chính giữa đại đình có treo bức hoành phi mang ba chữ đại tự Hòa vi quý.
Tương truyền, dân Thổ Tang vốn làm ăn giỏi nhưng một thời hay có nhiều chuyện tranh giành đấu đá lẫn nhau. Một hôm có vị tổng đốc Sơn Tây đi qua, dân làng xin chữ thờ ở Đình vì đình đang tu sửa. Quan tổng đốc đã viết tặng ba chữ này, ngụ ý nhắc nhở văn thân hào lý trong làng gương mẫu giữ lấy mối đoàn kết hòa hiếu trong dân làm rường cột cho con cháu noi theo. Ba chữ Hòa vi quý này rất đặc biệt, hầu như không thấy ở bất cứ ngôi đình nào vùng đồng bằng trung du Bắc bộ.
ST