Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết tại buổi Họp báo quý III của Bộ GTVT được tổ chức vào chiều 28/9 tại Hà Nội.
Sẽ không có các tuyến BOT kiểu "tráng men" như thế này trên cá tuyến đường độc đạo.
Bộ GTVT nhận trách nhiệm về các dự án BOT
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đồng thời là người phát ngôn của Bộ GTVT cho biết, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại cho xã hội và người dân, qua thực tiễn, Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận rõ một số bất cập nhất định của các dự án BOT, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí hở trên quốc lộ chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm BOT…
Sau hàng loạt sự việc xảy ra tại các trạm thu phí, Bộ đã đánh giá mặt được, chưa được, kinh nghiệm khi thực hiện dự án BOT. Và bài học rút ra đầu tiên đó là phải có hệ thống văn bản đồng bộ, đầy đủ.
“Việc triển khai thực hiện là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tổ chức thực hiện có vấn đề. Làm BOT mà hợp đồng mẫu của chúng ta chưa có, chưa bao quát được tất cả vấn đề”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, một số dự án BOT chưa được đánh giá tác động xã hội, lựa chọn nhà đầu tư họ giấy tờ chứng minh năng lực nhưng khi thực hiện phải thay giữa chừng vì năng lực kém. Ngoài ra, việc tính mức phí chưa đầy đủ về đơn giá dẫn đến phải điều chỉnh mức phí sau này, gây bức xúc cho xã hội.
“Để giải quyết vấn đề này phải thay đổi hệ thống văn bản, phải tổ chức thực hiện và quy trách nhiệm rõ ràng hơn đối với các cá nhân, tập thể khi thực hiện các dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Về trách nhiệm của Bộ GTVT, ông Đông cho rằng, Bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện dự án BOT. Bộ chịu trách nhiệm vì đề xuất và phê duyệt việc đặt trạm BOT. Trong thời gian tới, Bộ không chủ trương làm BOT ở những dự án có sẵn, chỉ làm BOT ở dự án mới. Và khi có chủ trương làm BOT, Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng, đánh giá tác động xã hội.
“Để khắc phục, Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.
Theo ông Đông, những trường hợp dự án cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn rộng rãi ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng trước khi thực hiện.
Không dời, không mua lại trạm thu phí Cai Lậy
Liên quan đến việc các dự án BOT thời gian qua liên tục vấp phải sự phản đối của người dân, việc rà soát để giảm giá, thời gian thu giá phí đường bộ...tiếp tục là vấn đề “nóng” được nhiều phóng viên các báo, đài đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết hiện Tổng cục đang thực hiện kế hoạch rà soát 54 trạm thu phí. Đã có 10 trạm được Bộ chấp thuận giảm giá. Thêm 3 trạm đã thống nhất với nhà đầu tư, đang báo cáo Bộ xem xét quyết định.
Về vị trí trạm Cai Lậy trên tuyến QL1 bị người dân phản đối gay gắt thời gian qua, BỘ GTVT cho rằng phải xem vị trí đặt đúng hay sai?
“Tổng cục đã đàm phán công khai với nhà đầu tư dựa trên dựa trên nguyên tắc lưu lượng, thời gian và theo số liệu quyết toán”, ông Huyện nói và cho biết với các trạm còn lại, Tổng cục đã lên kế hoạch đàm phán, cơ bản đến 30/10 sẽ báo cáo Bộ GTVT xử lý.
Thông tin thêm, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Nguyễn Danh Huy cho biết rà soát là một quá trình và việc rà soát phải liên quan đến việc xem xét bất cập tại từng trạm một.
Hiện tại, cả nước có 58 trạm có khoảng cách giữa hai trạm lớn hơn 70km, 10 trạm khoảng cách từ 60-70km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án. Hiện nay đã quyết toán đối với 54 dự án BOT, trong đó phần chi phí xây dựng giảm so với dự toán được Bộ GTVT tính toán theo hướng giảm phí cho người dân sống xung quanh trạm, nếu còn dư địa thì giảm phí cho phương tiện chung.
“Chúng tôi rà soát toàn bộ vị trí 88 trạm, trong đó có 73 trạm do Bộ quản lý. Trong số này có 3 trạm vị trí nằm ngoài phạm vi xây dựng dự án: Tào Xuyên, Cầu Rác và Bắc Thăng Long – Nội Bài. Có 6 dự án đặt trạm trên tuyến chính, nâng cấp cải tạo tuyến chính và đặt trạm trên tuyến tránh tương tự như trạm Cai Lậy”, ông Huy cho biết.
Cũng theo ông Huy, Hợp đồng BOT là hợp đồng ký giữa 2 bên là Bộ (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng liên quan đến Hợp đồng vay tín dụng với các tổ chức tín dụng nên khi đàm phán phải đạt được sự đồng thuận của cả 3 bên. Đối với chi phí giảm do chi phí xây dựng giảm sau quyết toán, ông Huy cho biết Bộ GTVT chỉ đạo theo hướng ưu tiên giảm giá. Sau khi giảm phí cho người dân quanh trạm xong, vẫn còn dư địa thì tiếp tục giảm giá.
Liên quan đến câu hỏi về việc có di dời vị trí trạm Cai Lậy không, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: "Về vấn đề này, phải làm rõ trạm Cai Lậy đặt đúng hay sai?".
“Theo quy định Thông tư 159, trạm này đặt trong phạm vi dự án. Ngoài ra, tại thời điểm đó đã nghiên cứu các phương án gồm mở rộng toàn bộ QL1 và không xây dựng tuyến tránh; đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đặt trạm trên tuyến chính, nâng cấp cải tạo tuyến chính và xây dựng tuyến chính. Trong đó, phương án thứ 3 là phương án ưu việt nhất”, ông Huy thông tin.
Với câu hỏi có mua lại trạm không, ông Huy đặt câu hỏi ngược lại: "Tại sao phải làm BOT. Ngân sách đang hết sức khó khăn, không cân đối được mới phải làm BOT. Vậy lấy tiền đâu để mua lại trạm". /.
Theo Phi Long/VOV.VN