Cập nhật: 29/09/2017 10:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 27/9, các nhà khoa học tuyên bố lần thứ 4 họ đo được sóng hấp dẫn sau khi hai hố đen khổng lồ sáp nhập ở địa điểm trong vũ trụ cách Trái Đất 1,8 tỷ năm ánh sáng.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: wikipedia.org)

Sóng hấp dẫn được nhà khoa học Albert Eistein tiên đoán trong Thuyết tương đối rộng từ một thế kỷ trước nhưng những bằng chứng về sự hiện diện của loại sóng này chỉ được các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra vào năm 2015.

Sóng hấp dẫn mới được các nhà khoa học tại đài quan sát Virgo nằm trong Trạm quan sát vũ trụ châu Âu (EGO) ở Italy và hai đài quan sát của Trạm quan sát sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO) đo được ngày 14/8 sau khi 2 hố đen có khối lượng lần lượt gấp 31 và 25 lần khối lượng Mặt Trời va chạm ở khoảng cách 1,8 tỷ năm ánh sáng so với Trái Đất. Hai hố đen sau khi va chạm đã tạo ra một hố đen có khối lượng gấp 53 lần khối lượng của Mặt Trời.

Đài quan sát Virgo được đặt sâu dưới lòng đất, hoạt động theo cơ chế đo các sóng giao thoa, cảm nhận các dao động trong không gian và bắt các "siêu âm thanh" phát ra từ sóng hấp dẫn. Tuy không đạt đến độ tinh vi và hoàn thiện như các đài quan sát sóng hấp dẫn LIGO đặt tại Louisiana và Washington nhưng Virgo có đầy đủ năng lực để đo được sóng hấp dẫn. Đây cũng là lần đầu tiên Virgo bắt được tín hiệu của sóng hấp dẫn chỉ hai tuần sau khi hoạt động trở lại sau quá trình nâng cấp.

Sóng hấp dẫn là một bằng chứng thuyết phục cho Thuyết tương đối nổi tiếng của Albert Einstein, cho rằng vũ trụ chuyển động liên tục, giống như một bể bơi khổng lồ trong đó các hành tinh, ngôi sao trong vũ trụ khi chuyển động cũng tạo thành các đợt sóng - chính là sóng hấp dẫn. Việc phát hiện ra sóng hấp dẫn được coi sẽ đem lại cho loài người những ứng dụng quan trọng, và tiềm năng đi xuyên không gian, thời gian là hoàn toàn khả thi. Không chỉ được ứng dụng vào vật lý học, sóng hấp dẫn còn giúp loài người dần dần hé lộ những bí ẩn trong vũ trụ.

Trong hàng thiên niên kỷ, chúng ta quan sát các hành tinh chỉ bằng sóng ánh sáng. Nhưng với việc xác định được sóng hấp dẫn, chúng ta có thể theo dõi cả những đối tượng không phát ra ánh sáng trong vũ trụ, điển hình là hố đen. Do đó, việc khám phá ra sóng hấp dẫn sẽ giúp con người tìm hiểu sâu hơn về hố đen, từ đó tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu sự hình thành của vũ trụ và tiếp tục nghiên cứu rộng ra về khả năng của những vũ trụ khác./.

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/song-hap-dan-tiep-tuc-duoc-phat-hien-sau-vu-va-cham-cua-2-ho-den/468370.vnp

Tệp đính kèm