Cập nhật: 02/10/2017 14:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xưa kia, những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo luôn là niềm khao khát của những đứa trẻ, thì nay dường như chiếc bánh trung thu đã không còn vẹn nguyên ý nghĩa trong dịp lễ tết truyền thống của dân tộc, một dịp sum họp gia đình, thưởng ngoạn vẻ đẹp trăng rằm.

Những chiếc bánh trung thu không chỉ là khao khát nhỏ nhoi về đồng quà, tấm bánh, mà điều các em thật lòng mong ước chính là niềm vui, là hạnh phúc khi được hưởng một cái Tết Trung thu với yêu thương đong đầy. Thế nhưng dường như sự tròn trịa đã bị bóp méo theo cơ chế thị trường và biến thiên của sự phát triển xã hội.

Tại những thành phố lớn, những chiếc bánh trung thu giá “khủng” không còn quảng cáo rầm rộ như trước nhưng có cung, ắt sẽ có cầu. Nhiều dòng bánh trung thu độc, lạ, siêu đắt của các khách sạn, nhà hàng cao cấp vẫn được tung ra thị trường. So với mặt bằng chung, giá bánh trung thu của các thương hiệu này không hề rẻ, với mức từ vài trăm đến cả triệu đồng/chiếc và cũng ít sự lựa chọn. Nhưng, các loại bánh này có một điểm hút khách bởi mẫu mã lạ, đẹp mắt, sang trọng, phù hợp nhu cầu biếu, tặng. Về hương vị, chúng cũng không quá đặc biệt, bởi vẫn là nhân trứng, nhân đậu xanh, có chăng thêm chút nguyên liệu cao cấp như vi cá, bào ngư,...

Thế nhưng, một thực tế là bánh trung thu của những hãng lớn luôn đắt khách hơn cả và khách hàng chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một chiếc bánh đôi khi có chất lượng tương đương với các loại bánh khác giá rẻ hơn bởi giá trị nằm ở thương hiệu. Cùng với đó, một phần khiến loại bánh này có giá cao do bán theo kiểu “bia kèm lạc”, đính kèm thêm hộp trà Ô Long hảo hạng, chai rượu ngoại lâu năm, tính sơ sơ giá “phụ kiện” đã chiếm tới từ 50 đến 70% giá trị hộp bánh. Chiêu này cũng đã giúp nâng giá thành của một hộp bánh lên đến hàng triệu đồng.

Có thể thấy, thương hiệu càng nổi tiếng thì giá bánh trung thu càng tăng cao và lớn hơn gấp nhiều lần giá trị thật của hộp bánh. Tuy nhiên, một điều thấy rõ là những loại bánh này chỉ mang tính “đặc thù”, không dành cho số đông cũng như không dành cho con trẻ, những đối tượng chính trong dịp Trung thu này, mà chủ yếu để dành đi biếu, tặng cho sang.

Nhiều người có thể cho rằng “phú quý sinh lễ nghĩa”, xã hội ngày càng phát triển, thị hiếu và sở thích của con người cũng biến đổi theo. Tuy nhiên, có lẽ cũng đã đến lúc người lớn cần tư duy lại ý nghĩa văn hóa của Tết Trung thu truyền thống và chú trọng đến những giá trị tinh thần hơn là những giá trị vật chất.

 

Theo THẢO CHI/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm