Cập nhật: 04/10/2017 14:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong ký ức của nhiều người hẳn vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đèn kéo quân, đèn ông sao lung linh huyền ảo, hay chị Hằng, chú Cuội bước ra từ truyện cổ tích của đêm rằm Trung thu. Mong muốn các em nhỏ được sống với tuổi thơ của mình, các đơn vị, câu lạc bộ, nhóm tình nguyện đã tổ chức nhiều chương trình trung thu ý nghĩa.

Múa lân trong chương trình Trung thu 2017 "Sắc màu văn hóa Đồng Tháp" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Trong không gian thoáng đãng, rộng rãi tại sân Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội), những cô bé, cậu bé háo hức xen lẫn tò mò khi được tô vẽ mặt nạ, làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, nặn tò he, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân và các tình nguyện viên. Gạt đi giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, những đôi bàn tay bé nhỏ đang tập trung, tỉ mẩn dùng thanh tre, giấy bóng kính màu sắc để trải nghiệm các công đoạn làm đồ chơi dân gian truyền thống. Năm nay gần 60 tuổi, nghệ nhân làm đèn kéo quân (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Vũ Văn Sinh không ngại ngần đường xa đến Hoàng thành Thăng Long để dạy lũ trẻ nhỏ làm đèn, với mong muốn níu kéo một chút nghề mang nét văn hóa truyền thống. Ông Sinh cho biết, đèn kéo quân trở thành đồ chơi giản dị, gần gũi, gắn liền với tuổi thơ trong veo của biết bao thế hệ con trẻ mỗi dịp Trung thu về. Mỗi chiếc đèn được thắp lên, cùng với những món đồ chơi dân gian ý nghĩa khác đã làm rạng ngời thêm nụ cười hân hoan, hạnh phúc của đám trẻ lúc phá cỗ dưới ánh trăng.

Không giấu nổi niềm vui khi tự mình làm xong chiếc tò he, em Hà Ngọc Châu Anh, lớp 3C, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội chia sẻ: “Đây là mùa trung thu đầu tiên cháu được học cách làm tò he, đèn ông sao. Cháu ước mong sẽ được tham gia nhiều chương trình có ý nghĩa như thế này, được lắng nghe các câu chuyện về lễ hội trăng rằm xưa và nay, được làm quen với các nguyên liệu truyền thống như que tre, cây đay, bột gạo nếp”.

Điểm đặc biệt trong chương trình lần này, ban tổ chức đã chọn lọc những tranh vẽ mô tả các loại hình đồ chơi, diễn xướng nghệ thuật trung thu xưa; trong đó không thể thiếu món đồ chơi bằng giấy và tre như: đèn lồng, đèn kéo quân, đèn cá, đèn tôm, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi,… Bên cạnh đó, những trò chơi dân gian cũng được tái hiện sinh động như giúp cho lễ hội thêm rộn ràng, tươi vui.

Với mong muốn mang lại sự đầm ấm trong dịp Trung thu cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, hơn hai tháng qua, Câu lạc bộ Sinh viên tự nguyện (Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tất bật chuẩn bị chương trình “Lồng đèn ước mơ” để dành tặng các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật TP Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ).

Có mặt tại trung tâm vào một chiều chủ nhật rực nắng, vừa đến nơi, các em nhỏ đã ùa ra đón khách với khuôn mặt háo hức, mừng rỡ. Nơi đây, hiện đang nuôi dưỡng và dạy học hơn 100 em nhỏ khuyết tật. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em mồ côi bị bỏ rơi từ khi mới sinh. Trong căn phòng nhỏ, các em rất thích thú khi được xem những màn ảo thuật và cùng các tình nguyện viên làm những chiếc đèn lồng giấy, đèn ông sao. Dưới ánh trăng rằm các tình nguyện viên cùng các em quây quần phá cỗ và nắm chặt tay nhau ngân nga giai điệu “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường”... Là người dành rất nhiều tâm huyết cho chương trình, bạn Phùng Thị Thiên Hương, trưởng ban tổ chức chương trình chia sẻ: “Các em nhỏ rất thân thiện. Có em không nói được nhưng nắm chặt lấy tay chúng tôi như một lời cảm ơn chân thành. Nhìn các em hào hứng xung phong để được lên sân khấu biểu diễn cùng các anh chị tình nguyện viên khiến tôi vô cùng xúc động”.

Luôn đồng cảm và thấu hiểu nỗi đau của các bệnh nhi phải chịu đựng, 5 năm qua, cứ mỗi dịp Trung thu, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư phối hợp Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Ngày hội hiến máu “Trung thu cho em” với thông điệp “Thắp sáng tuổi thơ Việt”. “Trung thu là ngày vui của trẻ nhỏ, với những chiếc đèn đủ sắc mầu, những chiếc bánh xinh xắn và được đi phá cỗ, trông trăng, thì có những em nhỏ chỉ được ngắm những chiếc đèn treo lửng lơ bên giường bệnh. Những căn bệnh về máu đã làm tuổi thơ các em gắn chặt với ống tiêm, dây truyền”. Chúng tôi tổ chức chương trình với mong muốn mang đến cho các em một không khí Trung thu tươi đẹp và hơn hết là trao tặng các em những giọt máu hồng quý giá. Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội Chử Nhất Hợp chia sẻ. Năm nay, chương trình đã thu hút hơn 5.000 người đến tham gia và hưởng ứng các sự kiện và ban tổ chức đã tiếp nhận gần ba nghìn đơn vị máu. Bên cạnh đó, với những sự kiện đặc biệt, mang đậm dấu ấn như: Trại xanh cốm, con đường đèn lồng, làm bánh trung thu…, đã sưởi ấm thêm những trái tim non nớt, đang ngày đêm phải chống chọi với bệnh tật.

Mỗi dịp Tết Trung thu, cùng chiếc bánh dẻo, bánh nướng, mâm ngũ quả, những món đồ chơi truyền thống chính là một phần không thể thiếu, tạo nên nét đẹp của đêm hội trăng rằm. Hình ảnh những em nhỏ với ánh mắt trong veo, tay cầm đèn ông sao, miệng ngân nga bài hát “Rước đèn ông sao” là kỷ niệm đẹp trong tiềm thức của mỗi người. Mong sao trong lòng mỗi đứa trẻ, dù ở trong hoàn cảnh nào đều có được những mùa Trung thu đầm ấm, sung túc và đoàn viên.

 

Theo Minh Châu/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm