Chùa Biện Sơn đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Điểm hấp dẫn thu hút du khách khi đến vãn cảnh chùa là ở sự lôi cuốn hết sự kỳ thú này đến kỳ thú khác. Đầu tiên là được hòa mình giữa không gian của Cõi Phật uy nghiêm, thanh tịnh, được thưởng thức những nét tinh tế của phong cách kiến trúc chùa thời Nguyễn, sau đó là được chiêm bái hệ thống tượng pháp và nghệ thuật tạc tượng thời Lê.
Nằm trong cái nôi văn hóa của người Việt cổ và nền văn minh lúa nước sông Hồng rực rỡ, xã Vĩnh Mỗ, sau đổi thành Minh Tân - nay là Thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc - tỉnh Vĩnh Phúc) là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Nơi đây không chỉ được mọi người biết đến là một vùng đất văn hiến, vùng đất tiêu biểu cho truyền thống khoa bảng mà còn là nơi hội tụ nhiều tầng văn hóa nối tiếp đã minh chứng cho tiến trình hình thành và phát triển dân tộc của người Việt. Với một hệ thống các quần thể di tích lịch sử văn hóa như: Di chỉ Khảo cổ học Đồng Đậu- dấu tích của 4 tầng văn hóa thời tiền sử, Đền Gia Loan gắn với danh nhân Nguyễn Khắc Khoan và truyền thuyết Thập nhị sứ quân, Chùa Biện Sơn - ngôi chùa cổ với Bảo tháp lớn, trưng bày nhiều xá lợi phật cùng biết bao báu vật của phật giáo, Thị trấn Yên Lạc ngày nay đang hình thành lên một khu du lịch văn hóa - tâm linh trên núi Biện và bên dòng sông Loan lặng lờ, bên cánh đồng lúa bát ngát đang hứa hẹn trở thành điểm đến của du khách thập phương.
Du khách tham quan vãn cảnh Chùa
Cách Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu không xa là Chùa Biện Sơn. Đây là một ngôi chùa cổ, được tọa lạc trên núi Biện và nằm ẩn mình dưới màu xanh bạt ngàn cây trái. Qua rất nhiều đời sư trụ trì, chùa Biện Sơn vẫn là chốn uy nghiêm, là nơi truyền đạo và là nơi lưu giữ những giá trị cốt cách, hồn quê của người dân nơi đây. Chùa Biện Sơn đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Điểm hấp dẫn thu hút du khách khi đến vãn cảnh chùa là ở sự lôi cuốn hết sự kỳ thú này đến kỳ thú khác. Đầu tiên là được hòa mình giữa không gian của Cõi Phật uy nghiêm, thanh tịnh, được thưởng thức những nét tinh tế của phong cách kiến trúc chùa thời Nguyễn, sau đó là được chiêm bái hệ thống tượng pháp và nghệ thuật tạc tượng thời Lê.
Hệ thống Tượng tại Chùa
Theo nhiều sử sách còn ghi lại, vào năm Thành Thái thứ 16, Chùa đã được làm với kiến trúc kiểu chữ Môn. Mặc dù không còn giữ được nguyên vẹn kết cấu kiến trúc cổ ban đầu, song với những giá trị kiến trúc thời Nguyễn hiện còn, đặc biệt là giá trị về nghệ thuật tạc tượng cùng với sự phong phú của các di vật hiện còn lưu giữ tại chùa, Chùa Biện Sơn vẫn được coi là ngôi chùa cổ có giá trị lớn trong quần thể di tích nổi tiếng của vùng đất cổ. Hiện nay, Chùa được làm theo kiến trúc kiểu chữ ĐINH gồm 2 tòa Bái đường và chính điện. Kiến trúc của Chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. So với các ngôi chùa khác trong vùng, chùa Biện Sơn còn bảo lưu được một hệ thống tượng pháp hơn 40 pho và còn lưu giữ được nhiều bảo khí và cổ vật có giá trị. Các pho tượng ở đây được tạo tác rất đẹp, sơn son thếp vàng lộng lẫy, chau chuốt tỷ mỷ, mang đậm phong cách tạo tác thời Lê. Điểm nổi bật trong công trình kiến trúc phật giáo ở chùa Biện Sơn là tòa Bảo tháp bằng đồng nguyên khối nặng 12 tấn, là một trong số Bảo tháp lớn nhất trong cả nước, lưu giữ nhiều xá lợi Phật, đặc biệt là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc xanh nguyên khối. Hiện nay các công trình trong khuôn viên chùa Biện Sơn đã được xây dựng khang trang, tạo thành một hệ thống thánh đường phật giáo hoàn chỉnh và tôn nghiêm, đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng của phật tử và du khách thập phương.
Hệ thống Tượng tại Chùa
Chuông, Chiêng và Khánh tại Chùa
Bảo tháp bằng đồng nguyên khối nặng 12 tấn, là một trong số Bảo tháp lớn nhất trong cả nước
Lầu Bát Giác - Nơi trưng bày pho đại sách "Yên Lạc - Đất cổ, đất Anh hùng" lưu danh 2.814 liệt sỹ huyện Yên Lạc
ST