Đua ghe ngo là môn thể thao đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, được tỉnh Sóc Trăng tổ chức thường niên vào dịp Lễ hội cúng Trăng (Oóc Om Bóc). Năm 2017, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng sẽ diễn ra trong thời gian 7 ngày, từ 28/10 đến 3/11 tại các địa điểm chính ở thành phố Sóc Trăng như: khán đài đua ghe Ngo, Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt, quảng trường Bạch Đằng, công viên 30-4, bảo tàng tỉnh...
(Nguồn ảnh: internet)
Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, ghe ngo được xem như vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân cho sức mạnh của phum, sóc. Đua ghe ngo là nghi thức tiễn nước sau mùa gieo trồng, chờ đón vụ mùa bội thu và cũng là ngày hội thể thao sôi nổi, tập trung đông đảo nhất đồng bào Khmer đến từ nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng là địa phương có phong trào đua ghe ngo mạnh nhất khu vực và cả nước. Lễ hội đua ghe ngo được tổ chức nhằm tạo sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đồng thời gắn liền với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương, đáp ứng xu thế hội nhập, liên kết phát triển vùng, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lễ hội đua ghe ngo năm nay bao gồm các hoạt động đặc sắc như: lễ cúng trăng; hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Kà Hâu; lễ hội đường phố; hội chợ thương mại, triển lãm, du lịch và liên hoan ẩm thực; hội thao dân tộc; ca múa nhạc tổng hợp và biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê; hội thảo khoa học; triển lãm ảnh nghệ thuật…
Trong đó, hoạt động được người dân và du khách chờ đón nhất tại lễ hội là giải đua ghe ngo diễn ra trong hai ngày 2 và 3/11. Giải đấu thu hút sự tham gia tranh giải của 62 đội ghe (50 đội nghe nam và 12 đội ghe nữ). Trong đó, chủ nhà Sóc Trăng có 50 đội và 12 đội ghe đến từ các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các đội thi đấu ở hai nội dung: bơi 1.200m đối với đội ghe nam và bơi 1.000m dành cho đội ghe nữ.
ST