Hiện nay công tác dự báo về thị trường lao động còn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp từ chối cung cấp thông tin về lao động, lương, BHXH...
Việc dự báo thị trường lao động chính xác có vai trò quan trọng đối với cả đơn vị tuyển dụng và người lao động. (Ảnh: KT)
Ngày 26/10, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị Đánh giá thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động.
Theo báo cáo của Cục Việc làm, tính đến nay, sau 8 năm thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động, đã có được thông tin của các hộ gia đình tại 62 tỉnh/ thành phố trên cả nước.
Các số liệu khai thác về thông tin như trình độ học vấn, lao động theo trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục đào tạo, lao động có việc làm chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, theo vị thế việc làm, khu vực...
Số liệu được các địa phương dùng để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các chính sách đào tạo nhân lực, phục vụ công tác quản lý lao động,...
Tuy nhiên, trong những năm qua, theo đánh giá của các chuyên gia, việc dự báo thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ tiêu chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu địa phương, số liệu hàng năm có độ chênh lệch so với số liệu của các cơ quan thống kê công bố...
Phát biểu tại hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: "Cục Việc làm phải đánh giá việc khảo sát cung và cầu thị trường lao động triển khai trong thời gian qua. Với thị trường lao động mở và thường xuyên biến động trong thời gian qua, việc thống kê cung lao động theo từng năm đã thực sự hiệu quả?"
Thực trạng trên thị trường lao động cho thấy, vẫn có nơi thừa, nơi thiếu lao động, thậm chí nhiều nơi thiếu trầm trọng.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, điều này cho thấy sự kết nối giữa cung và cầu thị trường lao động còn nhiều bất cập. Trong khi đó, việc đưa ra thông tin chuẩn xác về cung - cầu thị trường lao động rất có ý nghĩa đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thống kê dữ liệu về nguồn cung lao động, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: "Hiện nay nguồn cung lao động được thống kê theo từng năm. Số lượng lao động tại từng địa phương biến động hàng năm khoảng 15-10%. Trong quá trình điều tra thông tin về nguồn lao động, không ít điều tra dựa theo số liệu của ngành thống kê dẫn đến việc số liệu chưa chính xác.
Còn thống kê về nhu cầu thị trường lao động, Cục Việc làm ký hợp đồng với các Sở LĐ-TB-XH địa phương điều tra các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp từ chối cung cấp số liệu về bảo hiểm xã hội, tiền lương, hợp đồng. Đôi khi, việc điều tra phải có sự phối hợp của thanh tra lao động, công an.
Đến nay, Cục Việc làm đã điều tra trên 300.000 doanh nghiệp và hơn 5.000 HTX phi nông nghiệp. Ông Tào Duy Bằng đơn cử, như trường hợp khảo sát mới đây tại Đồng Nai, có đến hơn 28.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhưng kê khai thuế chỉ hơn 17.000 doanh nghiệp.
Muốn dự báo dài hơi, phải phụ thuộc vào doanh nghiệp
Trước thực trạng nhiều cử nhân thất nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những dự báo dài hơi hơn nữa về nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.
Bà Lê Thị Trang Đài Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng điều này là cần thiết, phải được thực hiện hết sức bài bản, có định hướng rõ ràng trong 5-10 năm, tuy nhiên đến nay vẫn còn có một số vướng mắc.
Thực tế, việc xây dựng được những kế hoạch dự báo này còn phụ thuộc rất lớn vào chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp vì Nhà nước không thể hoạch định hoặc giao chỉ tiêu việc làm cho doanh nghiệp được.
"Sự phát triển của doanh nghiệp dựa vào nhiều yếu tố về cơ cấu lao động, lợi nhuận, chiến lược kinh doanh, tương ứng với đó là cần những định chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, từ đó mới có cơ hội mở rộng quy mô và xây dựng được phương án sử dụng lao động dài hơi hơn", bà Đài cho biết.
Đối với những doanh nghiệp không có định hướng phát triển lao động thì gần như việc tuyển dụng chỉ bù đắp cho sự thay đổi lao động trong chiến lược ngắn hạn. Do đó, theo bà Đài cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó các chính sách phải thông thoáng, cùng với đó là có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp.
“Chỉ có có cách duy nhất để doanh nghiệp phát triển thì họ mới xây dựng được những kế hoạch sử dụng lao động dài hơi từ 5 – 10 năm, còn bản thân doanh nghiệp không có chiến lược phát triển sản xuất trong tương lai thì làm sao họ có thể dự báo được cần bao nhiêu lao động cho những năm tiếp theo. Bài toán đặt ra là việc có tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người lao động hay không phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp, doanh nghiệp phải mạnh thì mới tạo được nhiều việc làm”, bà Đài nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội đánh giá cao vai trò của việc thu thập thông tin thị trường lao động. Để hoạt động này được tốt hơn trong thời gian tới, ông Thành cho rằng nên có những đổi mới về phương pháp thu thập cơ sở dữ liệu, tăng cường lực lượng triển khai thu thập số liệu, điều tra nguồn cơ sở dữ liệu cung cầu. Hơn hết, cần có sự vào cuộc của UBND các tỉnh đến cấp phường/xã, cùng với ngành LĐ-TB-XH tiến hành các hoạt động thu thập thông tin./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN