Bài 3: Liên kết để cùng phát triển
Khắc phục những hạn chế trong các năm qua, hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết phát triển, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách... là những nhiệm vụ cấp thiết của các tỉnh, thành phố khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ nhằm nâng cao chất lượng liên kết phát triển.

Cảng cá Phú Quý (Bình Thuận).
Liên kết cần thực chất
Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang, thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tập trung một số nội dung trọng tâm như: Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; xác định các mục tiêu trọng điểm; các dự án cần ưu tiên đầu tư để phát triển vùng và từng địa phương, tạo sự đồng thuận của các địa phương để trình T.Ư, Chính phủ xem xét, phê duyệt. Việc thu hút đầu tư của từng địa phương cần tránh chồng chéo; xây dựng các cơ chế hợp tác hiệu quả; tạo dựng thương hiệu, hình ảnh và tăng cường sức cạnh tranh, chia sẻ hợp tác trong đầu tư phát triển để tập hợp sức mạnh toàn vùng, nâng cao đời sống người dân. TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng ven biển miền trung đánh giá, sự liên kết hợp tác phát triển vùng hơn sáu năm qua đã hướng vào các mục tiêu khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa phương và toàn vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ giá trị gia tăng lớn, ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản). Trong điều kiện những năm đầu, ưu tiên liên kết, hợp tác của các địa phương tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu, có tính khả thi cao như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch,... qua đó tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Như vậy, trước mắt, toàn vùng cần tập trung hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết phát triển; xây dựng quy hoạch, chính sách chung,... Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi các địa phương phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao. Về hợp tác trong xây dựng cơ chế, chính sách và thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, quảng bá văn hóa, các địa phương trong vùng đã chú trọng hơn trong liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, nhất là các chương trình nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, tăng lượt khách, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch. Các địa phương cũng đã phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách chung trong vùng, nhất là hình thành và phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khác biệt về điều kiện phát triển của từng địa phương trong vùng và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, những nội dung hợp tác về kinh tế giữa các địa phương còn tương đối đơn điệu, nghèo nàn, chủ yếu thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, sự vụ giữa doanh nghiệp, đơn vị hành chính giáp ranh khi thực hiện các chương trình, dự án liên quan. Đó là những điểm yếu rất khó khắc phục, nếu không tìm được phương án khả thi để tháo gỡ thì việc duy trì và phát triển xu thế liên kết toàn vùng sẽ sa vào hình thức, thiếu thực chất. Nguyên tắc "đồng thuận" vẫn cần thiết và đúng đắn, nhưng đôi khi, lại làm chậm bước liên kết vùng, gây khó khăn khi thực thi các giải pháp đột phá ở quy mô lớn do tư duy và tầm nhìn khác nhau của các thành viên.
Xây dựng cơ chế đột phá, đặc thù
Trước những vướng mắc và khó khăn nêu trên, ngày 24-9-2017, trong cuộc họp lãnh đạo chủ chốt các tỉnh Trung Bộ và Nam Trung Bộ đã báo cáo Thường trực Chính phủ và thống nhất đề xuất, kiến nghị Thủ tướng một số vấn đề liên quan cơ chế, chính sách liên kết, với khát vọng tạo bước đột phá mới cho vùng duyên hải. Toàn vùng cần chính sách và cơ chế quản lý đủ mạnh để tạo động lực thu hút đầu tư, khai thác các khu kinh tế (KKT) ven biển, cùng với chính sách và cơ chế đang xây dựng cho các đặc khu hành chính - kinh tế, tạo bước đi mạnh hơn trong hoạt động liên kết cũng như cơ chế điều phối kinh tế vùng. Cuộc họp đã đưa ra phương hướng liên kết phát triển và kiến nghị chín nội dung liên kết đã được lãnh đạo chủ chốt các địa phương ký như: nghiên cứu tái phân bổ lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp thế mạnh từng địa phương; phát huy hiệu quả các khu kinh tế ven biển; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển vùng,... Ngày 15-8 vừa qua, tại Diễn đàn kinh tế miền trung do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ở Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam đã khuyến nghị: Vùng duyên hải miền trung cần được xem là vùng trọng điểm để Chính phủ triển khai thực hiện chiến lược kinh tế biển. Theo đó, tập trung ba nhóm ngành kinh tế chính: Ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa, lịch sử) và KKT ven biển (gắn với ưu thế cảng biển). Sự chủ động liên kết, hợp tác giữa các địa phương là cần thiết, nhưng cần có cơ chế và chính sách chung của Chính phủ, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng một cách trọng điểm, phục vụ từng lĩnh vực cụ thể. Thí dụ, nếu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được tập trung đầu tư để hoàn thành sớm, sẽ tạo sự đột phá cho hai KKT Chu Lai và Dung Quất phát triển. Nếu trong khu vực xây dựng được một trung tâm hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt và chế biến, thương mại hải sản thì ngành ngư nghiệp cũng sẽ thay đổi,...
Qua khảo sát, nghiên cứu quá trình liên kết vùng duyên hải miền trung hơn 5 năm qua, chúng tôi nhận thấy, điều quan trọng cốt lõi nhất để liên kết hiệu quả là phải ưu tiên phát triển từng địa phương dựa trên đặc thù, lợi thế nổi trội; từ đó, tìm ra cơ chế đặc biệt và đầu tư nguồn lực thỏa đáng, hướng đến mục tiêu hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên chuỗi sản phẩm toàn vùng. Mặc dù hoạt động liên kết đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tính thống nhất trong phối hợp và liên kết giữa các địa phương chưa cao; hoạt động hợp tác mang tính hình thức, nhiều ý tưởng liên kết rất khó triển khai thành công trên thực tế. Nguyên nhân cản trở liên kết vùng đạt hiệu quả thực chất, có chiều sâu, có lẽ dường như mỗi địa phương đều coi mình là "đầu tàu", muốn tự mình phát triển "hơn hàng xóm" dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có; chưa phối hợp hiệu quả cùng các bộ, ngành để tìm ra những thể chế, chính sách đột phá về liên kết kinh tế vùng trình T.Ư, Quốc hội, Chính phủ xem xét, phê duyệt và triển khai trong thực tiễn. Chính vì thế, các hoạt động liên kết, phối hợp chuyên ngành vẫn hết sức chung chung, mờ nhạt, thiếu cụ thể, nặng tính hình thức trong khuôn khổ hợp tác phát triển.
Để liên kết vùng đi vào thực chất, có chiều sâu, lãnh đạo các địa phương đã kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu và xác định vùng là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, vừa có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, vừa có ý nghĩa quan trọng về an ninh - quốc phòng; cho phép xây dựng trục kinh tế biển thống nhất với chín địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Các ngành liên quan và Ban điều phối vùng cần rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng, xóa bỏ chồng chéo, xung đột lợi ích, không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực về hạ tầng đường bộ, sân bay, cảng biển của vùng,... Hiện nay, toàn vùng có năm KKT ven biển, diện tích quy hoạch 152 nghìn ha, nhưng chưa được khai thác đáng kể, cần điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các KKT sao cho phù hợp, đạt hiệu quả. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển KKT trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại hai KKT Dung Quất và Chu Lai; xây dựng quy chế đặc thù phát triển vùng kinh tế Chu Lai - Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp - cảng biển - logistic - đô thị biển của vùng duyên hải miền trung, gắn kết hai KKT này trong tổng thể phát triển. Chính phủ cần đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Đây là tuyến đường chiến lược về kinh tế và quốc phòng, quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển gắn với con đường, hình thành "mặt tiền" của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, cần huy động chủ yếu bằng "cơ chế", trong đó có khai thác quỹ đất đô thị; nghiên cứu chính sách đất đai và thuế đặc biệt ưu đãi để phát triển các đô thị trong KKT ven biển, có thể nghiên cứu áp dụng một số điểm như đối với đặc khu hành chính - kinh tế.
Bài, ảnh: ĐÀO NGUYÊN HẬU và CHÂU KẾ NGUYÊN
Theo nhandan.com.vn