Cập nhật: 05/11/2017 11:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã có không ít ý kiến băn khoăn về tương lai nghệ thuật truyền thống trong xã hội phát triển. Nhưng không gian phố cổ Hà Nội đang kể một câu chuyện khác. Những điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống nơi đây luôn sôi động, chật kín người xem. Điều thú vị, có cả những người bình thường bỗng hóa thân thành nghệ sĩ. Câu chuyện ở phố cổ một lần nữa cho thấy, nghệ thuật truyền thống sẽ mãi tồn tại và thăng hoa nếu được đặt đúng trong bối cảnh, không gian của mình.

Biểu diễn hát chầu văn tại đền Bạch Mã (Hà Nội). Ảnh: ĐỨC ANH TRẦN

Không gian “vàng” của nghệ thuật truyền thống

Mới 5 giờ chiều thứ sáu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc truyền thống Phố cổ Trịnh Thị Hậu Hòa đã tất bật cùng mọi người chuẩn bị loa đài, ánh sáng... cho buổi biểu diễn văn nghệ trước cửa đền Quán Đế (số 28, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chương trình đã được "lên khuôn" từ trước. Dự kiến hôm nay, sân khấu đền sẽ mang sắc màu nghệ thuật của các miền, từ những làn điệu chèo, xẩm, chầu văn của đồng bằng Bắc Bộ, cho tới giai điệu cải lương phương Nam. Phố cổ như đẹp hơn trong tiết trời thu hanh hao, se lạnh. Bà Hậu Hòa chưa kịp chuẩn bị sân khấu xong, đã có một tốp khán giả kê ghế ngồi chờ; có cả già, trẻ và mấy người khách ở tỉnh ngoài. Bà cùng các diễn viên phấn khởi lắm. Đó là nguồn năng lượng tuyệt vời để mọi người hăng say hơn trong buổi diễn đêm nay... Cách đó một quãng không xa, nghệ sĩ Đinh Quang Vũ cùng đồng nghiệp sửa soạn xong "đồ nghề" trước đền Bạch Mã (cũng trên phố Hàng Buồm); còn các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam nhộn nhịp chuẩn bị thiết bị, hóa trang ngay trước cửa đền Hương Tượng (phố Mã Mây).

Khi thành phố lác đác lên đèn, việc chuẩn bị cơ bản xong xuôi. Lúc này, những dòng xe cộ tấp nập biến mất, phố cổ đã trở thành không gian đi bộ thoáng đãng, nhẹ nhàng. Và các góc phố biến thành sân khấu, những khúc nhạc được tấu lên trong sự tán thưởng của người xem. Nhiều cô bé, cậu bé được bố mẹ cõng trên vai say sưa đu đưa người theo giai điệu hát xẩm. Các nam, nữ tuổi "teen" vừa thưởng thức, vừa thi nhau chụp hình kỷ niệm. "Khó xem" như hát tuồng mà muốn chiếm một vị trí thuận lợi để đứng xem cũng không dễ dàng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, hát văn, hát xẩm... tưởng chừng khá xa lạ với công chúng trong những năm gần đây, vậy mà chưa bao giờ lại gần gũi đến thế vào mỗi dịp cuối tuần ở nơi này.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống được tổ chức liên tục mấy năm nay tại khu phố cổ Hà Nội, kể từ khi không gian đi bộ vào ba ngày cuối tuần được mở rộng sang sáu tuyến phố vào năm 2014, gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ, Tạ Hiện. Khi chuẩn bị đi vào hoạt động, xác định đây sẽ là không gian của văn hóa - ẩm thực, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội (Ban quản lý) rất băn khoăn với việc phải làm gì để tạo nên sức hút cho phố đi bộ, đồng thời, lại thể hiện nét đặc trưng cho phố cổ. Tạo dựng những sân khấu nghệ thuật truyền thống là phương án tối ưu, song cần có kinh phí. Ban quản lý phải liên lạc với nhiều cơ quan, tổ chức. Nhưng thật bất ngờ, vẫn có nhiều người say mê nghệ thuật, sẵn sàng cống hiến. Nhiều CLB, ban nhạc... đăng ký tham gia. Ngoài một số ban nhạc dành cho giới trẻ, thiếu nhi, phần lớn là các nhóm nghệ thuật truyền thống, gồm: CLB Âm nhạc truyền thống Phố cổ, CLB hát Văn, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam... Ban quản lý đã bố trí để các nhóm nghệ thuật biểu diễn luân phiên tại các địa điểm, như: đền Bạch Mã, đền Quán Đế, khu vực ngã tư phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến, Ngôi nhà Di sản (số 87 Mã Mây)... vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đa dạng, mỗi khách tham quan đều tìm được những món ăn tinh thần phù hợp "khẩu vị". Hầu hết các sân khấu này đều biểu diễn không thu phí. Nghệ thuật truyền thống trở thành "đặc sản", đồng thời, cũng tạo nên sức hút cho không gian đi bộ trong phố cổ.

Để nghệ thuật truyền thống thật sự hồi sinh

Dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, mỗi nghệ sĩ đến với sân khấu nghệ thuật truyền thống trong phố cổ với một lý do khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là tình yêu với nghệ thuật cổ truyền. Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật truyền thống Phố cổ Trịnh Thị Hậu Hòa vừa là "bầu sô", vừa là diễn viên. Ít ai ngờ rằng, ca sĩ U70 có giọng hát rất "đằm" ấy, chỉ vài tiếng trước buổi diễn còn là một... bà chủ cửa hàng quần áo, cũng trên phố Hàng Buồm. Dàn diễn viên của CLB, cùng với một số nghệ sĩ chuyên nghiệp, có đến hơn chục người không chuyên, hằng ngày là những nhân viên bán hàng của bà Hậu Hòa. Yêu nghệ thuật từ bé, lớn lên, cô gái Trịnh Thị Hậu Hòa từng thi đỗ vào Đoàn Kịch nói Hà Nội; song giấc mơ dang dở bởi không được gia đình ủng hộ. Dù sống bằng nghề kinh doanh, nhưng tình yêu nghệ thuật không bao giờ tắt. Bà Hòa cùng những người có chung đam mê thành lập CLB Âm nhạc truyền thống Phố cổ, tập hợp được khoảng

 

50 người; chủ yếu biểu diễn miễn phí, thi thoảng mới được khán giả thưởng thêm một món tiền nho nhỏ. Để mỗi người gắn bó hơn với sân khấu, mỗi đêm diễn, bà "bầu sô" lại tự bỏ tiền túi trả thù lao cho các “diễn viên”. Bà tâm sự: "Thường mỗi tối, tôi phải bù thêm hơn một triệu đồng cho việc thuê thiết bị, trả thù lao. Nhưng điều đó không quan trọng. Nhờ có sân khấu đền Quán Đế, tôi và mọi người trong CLB được sống và thể hiện niềm đam mê âm nhạc trước công chúng. Điều đáng nói, âm nhạc khiến con người nhân văn hơn và góp phần tạo nét đẹp cho phố cổ".

Nhiều năm nay, nghệ thuật truyền thống luôn đứng trước nguy cơ mai một. Rất khó "kéo" khán giả đến với những nhà hát tuồng, chèo, cải lương... Nhưng với hoạt động ở không gian đi bộ trong phố cổ, thay vì để khán giả tìm đến, tình yêu đã khiến những nghệ sĩ không quản khó khăn đem nghệ thuật truyền thống đến với khán giả. Nhờ thế, nhiều đối tượng khán giả, nhất là giới trẻ được tiếp cận và thay đổi tư duy về loại hình này. Trịnh Thu Hà, sinh viên Trường đại học Thủ đô cho biết: "Trước đây, em vẫn nghĩ nghệ thuật cổ truyền là dành cho người già. Nhưng khi đến phố cổ xem các tiết mục biểu diễn, em và bạn bè thấy hát xẩm, chầu văn và cả hát chèo có rất nhiều điều thú vị". Ngược lại, không gian đường phố khiến nghệ sĩ - khán giả xóa nhòa khoảng cách cũng tạo điều kiện để người nghệ sĩ say mê hơn - đó là tâm sự của nghệ sĩ Thu Hiền, một cựu diễn viên múa của văn công quân đội. Từng biểu diễn trong chiến trường hồi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đến khi về hưu, sân khấu nghệ thuật trong phố cổ giúp chị có cơ hội thể hiện những sáng tạo riêng mà mình ấp ủ. Những làn điệu chèo cổ làm mê đắm lòng người, nhưng nếu diễn viên chỉ đứng hát thì không phải khán giả nào cũng thấy thú vị. Chị kết hợp giữa truyền thống gia đình (hát chèo) với nghề nghiệp chuyên môn (múa) thành những màn biểu diễn mới: múa chèo. Chị biên đạo và biểu diễn các làn điệu chèo trước đền Quán Đế. Những buổi diễn khán giả đứng, ngồi cổ vũ trong không gian rất gần khiến chị luôn thấy thăng hoa. Còn ở CLB Hát văn, nghệ sĩ Đinh Quang Vũ là “ngôi sao” trong những buổi diễn tối thứ sáu và tối chủ nhật trước cửa đền Bạch Mã, tối thứ bảy tại 64 Mã Mây. Anh từng tốt nghiệp xuất sắc bộ môn Sáo trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội; song nhiều năm nay lại nổi danh với giọng hát chầu văn. Biểu diễn ngoài trời tối, trong ánh đèn, rất khó để mọi người nhận ra người nghệ sĩ vừa chơi đàn nguyệt vừa hát chầu văn bị khiếm thị. Anh cũng không biết khán giả đông hay vắng, tất cả chỉ dựa vào cảm nhận. Những lời tán dương, vỗ tay cổ vũ khiến màn hát văn của anh "phiêu" hơn, hấp dẫn hơn. Hát trên phố cổ được gần bốn năm, trong thời gian này anh cũng đã tìm được hạnh phúc khi gặp chị Diệu Hồng và nên duyên vợ chồng. Từ 5 giờ 30 phút chị đã chuẩn bị đưa chồng đi hơn 10 km để đến điểm diễn cho kịp giờ. Công việc hoàn tất, 11 giờ đêm chị lại cặm cụi chở anh về nhà…

Câu chuyện ở phố cổ cho thấy tình yêu nghệ thuật truyền thống vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam. Còn rất nhiều người yêu mến, nặng lòng với nghệ thuật truyền thống. Và cái cốt yếu để hồi sinh nghệ thuật cổ truyền không chỉ nằm ở vấn đề kinh phí, mà còn cần tạo dựng được những không gian, "đất diễn" cho những người có đam mê. Sáng kiến tổ chức sân khấu ngoài trời, không gian đi bộ trong phố cổ Hà Nội đã góp phần đánh thức loại hình này. Tuy nhiên để nghệ thuật truyền thống thật sự phát triển bền vững, ngoài việc trao trả loại hình này về cho các chính chủ thể sáng tạo, vẫn cần thêm nhiều giải pháp đem tình yêu nghệ thuật tới đông đảo người hâm mộ, để có sự chung tay của cả cộng đồng. Chẳng hạn, như một thực tế nhỏ mà Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan đề cập: "Ban quản lý chỉ có thể tạo điều kiện về địa điểm biểu diễn, kết hợp với các cơ quan bảo đảm an ninh trật tự. Thêm nữa, chúng tôi chỉ hỗ trợ cho Nhà hát Tuồng Việt Nam một khoản kinh phí nhỏ để các nghệ sĩ vận chuyển sân khấu, đạo cụ. Còn các nhóm khác đều hoạt động theo phương thức xã hội hóa, phải tự thu, chi. Vì vậy, để các nghệ sĩ không chỉ diễn bằng tình yêu, rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng, nhất là của khán giả".

 

Theo CHÍ DŨNG, THU HUYỀN

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm