Cập nhật: 10/11/2017 14:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 9-11, tại Di tích đền Rừng (quận Long Biên, Hà Nội) Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội phối hợp CLB Tín ngưỡng thờ Mẫu và hát văn Hà Nội tổ chức Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu-Hà Nội 2017.

Một tiết mục diễn xướng tại Liên hoan.

Liên hoan có sự tham gia của 29 thanh đồng, cung văn đến từ Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận như: Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Bình... Liên hoan được bắt đầu bằng lễ rước và dâng thánh của các thanh đồng, cung văn, đoàn múa sênh tiền, múa quạt, đoàn cờ thần và đoàn tố nữ dâng hoa. Tiếp đó, các thanh đồng, cung văn bắt đầu chương trình chính thức của Liên hoan, với các màn hầu đồng. Mỗi thanh đồng sẽ tham gia ba giá đồng, trong thời gian một tiếng.

Với chủ đề “Thực hành nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những nét đổi mới trong xã hội đương đại trên địa bàn Hà Nội”, liên hoan là hoạt động văn hóa truyền thống nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”.

Theo ông Lưu Ngọc Đức Chủ nhiệm CLB Tín ngưỡng thờ Mẫu và hát văn Hà Nội, năm nay, Ban Tổ chức đã có sự chọn lựa hết sức kỹ càng thành phần tham dự liên hoan. Các thanh đồng, cung văn tham gia liên hoan phải là những người có uy tín, thực hành tín ngưỡng theo đúng nghi thức cổ truyền, trong đó, có nhiều thanh đồng cao tuổi Ban Tổ chức đứng ra mời. Trong ngày khai mạc, công chúng đã được chứng kiến màn diễn xướng của một số thanh đồng cao tuổi; trong đó, nổi bật nhất phải kể đến thanh đồng Đặng Thị Nhiễu (thủ nhang đền Rừng, quận Long Biên). Dù sinh năm 1935, năm nay đã cao tuổi nhưng thanh đồng đã có màn diễn xướng xuất sắc với ba giá đồng khác nhau.

Đáng chú ý, sau mỗi buổi hầu, Ban Tổ chức cùng các thanh đồng sẽ tổ chức gặp mặt, trao đổi về chuyên môn và góp ý với đội cung văn về lời ca, âm nhạc nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những đổi mới phù hợp với xã hội đương đại. Cụ thể, về trang phục áo mũ, đạo cụ, nghi thức, lời ca, âm nhạc… Ngày kết thúc các giá hầu, Ban Tổ chức sẽ có trao đổi chung với 29 thanh đồng và các đội cung văn.

Ông Đức cho biết thêm, hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đang đối mặt với những nguy cơ biến đổi rất cao. Đã xuất hiện tình trạng "cải biên", thậm chí "xuyên tạc" tín ngưỡng thờ Mẫu từ trang phục, vũ đạo đến lời hát. Trong điều kiện xã hội hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu khó tránh khỏi những thay đổi, nhưng phải có chọn lọc, cái gì có thể thay đổi và những gì cần phải gìn giữ. Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017 sẽ tập trung đề cập những vấn đề này. Sau khi hoàn thành phần hầu đồng, các nhà khoa học, các thanh đồng, thủ nhang sẽ tham gia hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Nhận diện, bảo tồn và phát triển”, dự kiến tổ chức ngày 16-11.

 

Theo GIANG NAM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm