Cập nhật: 22/11/2017 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với bất cứ du khách nào ra Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến viếng miếu Bà đều được nghe truyền thuyết sự tích miếu Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu, nơi thờ bà Phi Yến - thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Anh (Nguyễn Ánh). Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước.

 

Miếu Bà Phi Yến (Ảnh: Khánh Luân/TITC)

Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Sơn, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự  định gửi con cả là hoàng tử Hội An (tên tục là hoàng tử Cải) đi theo cố đạo Bá Ða Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yên (tên tục là Lê Thị Răm) ngỏ lời khuyên Nguyễn Ánh rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên định giết bà. Nhờ quân thần can xin, Nguyễn  Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ, về sau núi đó được đặt tên là hòn Bà. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải, con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nó nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng đã chôn cất hoàng tử.   

 

Miếu hoàng tử Hội An tại làng Cỏ Ống (Ảnh: Khánh Luân/TITC)

Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đứng hoài trước mộ con và khóc, tình cảnh thật thương tâm. Dân làng cám cảnh, họ hát ví:

“Gió đưa cây Cải về trời

Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”

Và người dân Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng như thế!

Và rồi tháng 10 âm lịch năm 1785, làng An Hải tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ đến rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, bà bị kẻ xấu xúc phạm nên đã tử tự để được vẹn toàn danh tiết.  Dân làng đã lo việc tống táng và lập miếu thờ bà - người phụ nữ “Trung Trinh Tiết Liệt”.

Miếu Bà đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hàng năm cứ vào ngày 18/10 âm lịch, nhân dân Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ bà rât long trọng và thường là làm cổ chay để tưởng nhớ./

ST

Tệp đính kèm