Cập nhật: 29/11/2017 10:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Làng Gà 7, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 

Di tích Làng Gà 7 được phát hiện vào tháng 4/2015, trong quá trình điều tra khảo cổ học 15 di tích tiền sử đôi bờ suối Ia Mơr. Năm 2016, các nhà khảo cổ đã vào cuộc điều tra xung quanh Làng Gà 7 và phát hiện địa chỉ này có tính chất giống như các di tích trước đó nhưng địa tầng còn bảo lưu tốt. Trên cơ sở này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di tích Làng Gà 7.

Theo báo cáo sơ bộ của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học), qua khai quật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 234 hiện vật và được chia làm hai nhóm: nhóm công cụ sản xuất với 205 hiện vật (chiếm 87,60%) bao gồm rìu có vai, rìu mài lưỡi, công cụ hình đĩa, công cụ hình bầu dục, hòn kê, hòn ngồi…; nhóm phế phẩm và nguyên liệu gồm các loại mảnh tước và đá nguyên liệu với 29 hiện vật (chiếm 12,40%). Dựa trên các tính chất, đặc trưng của di tích và di vật, các nhà nghiên cứu kết luận, Làng Gà 7 được xem như di tích cư trú - công xưởng chế tác đá có niên đại khoảng 5.000-5.500 năm.

Việc khai quật di tích Làng Gà 7 đã bổ sung thêm một loại hình công xưởng chế tác rìu đá hình bầu dục tiền sử ở Gia Lai. Cùng với công xưởng chuyên làm rìu bầu dục mang dấu ấn kỹ thuật Hòa Bình muộn như Thôn Tám (tỉnh Đăk Nông), Buôn Kiều (tỉnh Đăk Lắc), Eo Bồng (tỉnh Phú Yên), Gia Canh (tỉnh Đồng Nai), Bàu Dũ (tỉnh Quảng Nam), Di tích Làng Gà 7 tạo diện mạo thống nhất cho toàn vùng Tây Nguyên và đồng bằng Trung bộ Việt Nam, qua đó giúp bổ sung thêm tư liệu biên soạn lịch sử giai đoạn sau văn hóa Hòa Bình ở vùng đất phía Nam.

Để bảo vệ nguyên vẹn khu vực này, Viện Khảo cổ học đã kiến nghị các cơ quan chuyên môn tổ chức cắm biển bảo vệ, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đồng thời, tiếp tục tổ chức khai quật, nghiên cứu di tích Làng Gà 7, làm rõ hơn mối quan hệ ba kiểu di tích công xưởng trong chế tác rìu đá có vai bằng Opal, bồn hình răng trâu (đá Phtanit) và rìu hình bầu dục (đá Basalte) là quan hệ tộc người hay tương thích môi trường./.

Theo NGUYỄN HOÀI NAM (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-xuong-che-tac-riu-da-co-nien-dai-hon-5000-nam-o-gia-lai/477416.vnp

Tệp đính kèm