Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Bộ TNMT cho biết, sau hơn 3 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được ban hành đã góp phần giải quyết được các vướng mắc trong tổ chức thi hành trước đây; bảo đảm quyền và lợi ích cho người sử dụng đất và giúp cho việc triển khai thi hành Luật có hiệu quả hơn, không để gây ách tắc, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Tuy vậy, hiện nay nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ.
Nhiều dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng, còn lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp; cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá chưa được quan tâm thực hiện; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn cao (chiếm 70%).
Bộ TNMT cho biết đang tổ chức lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai phải phù hợp với quan điểm, cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Đảng; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; phù hợp với đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT), trọng tâm sửa đổi Luật Đất đai lần này là tập trung sửa đổi các chính sách liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
"Hiện nay trong định hướng sửa đổi, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào những nhóm vấn đề liên quan đến cơ chế tiếp cận đất đai để đất đai có thể dễ dàng tham gia vào thị trường quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp có thể thuận lợi trong vấn đề tiếp cận. Những chính sách dự kiến đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được đất nông nghiệp thông qua thị trường, hạn chế tối đa vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để giao hoặc cho các doanh nghiệp thuê.
Một mặt chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện các quy định về thủ tục hành chính, có các tổ chức phát triển quỹ đất để thu gom các đất nông nghiệp nhàn rỗi, tạo quỹ đất nông nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận", bà Hoàng Thị Vân Anh thông tin thêm.
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các sở, ngành địa phương, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số quy định: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quá trình chuyển dịch đất đai; giải quyết tranh chấp đất đai…
Về việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, giá đất, ông Bùi Duy Cường, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho rằng, danh mục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi quy định thời gian trong 3 năm thay vì hàng năm như trước đây; kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện cần tăng tính chủ động khi thực hiện, đảm bảo thủ tục hành chính.
Ông Bùi Duy Cường cho biết: "Về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, chúng tôi kiến nghị Bộ nghiên cứu xem xét đối với dự án đầu tư mà thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng, không thuộc đối tượng thu hồi đất sẽ cho phép ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức việc thu hồi, trong 30 ngày mà không thỏa thuận được với các hộ dân sẽ cho phép huyện thực hiện thu hồi đất để tháo gỡ cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án"./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN - Trung tâm Tin