“Mẹ chồng” khắc họa mối quan hệ đầy cay đắng giữa “mẹ chồng - nàng dâu”, một chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ hết “hot”.
Giống như những bộ phim “thâm cung nội chiến” quen thuộc, Mẹ chồng là câu chuyện về những trận chiến đầy kịch tính của những người phụ nữ trong gia đình Hội đồng Lịnh ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ những năm 50.
Bộ phim khắc họa mối quan hệ vốn đã đầy cay đắng giữa “mẹ chồng - nàng dâu”, một chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ hết “hot”.
Diễm My 6x, Thanh Hằng, Ngọc Quyên trong phim
Dàn diễn viên “khủng”
Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng là bộ phim quy tụ dàn mỹ nhân hàng đầu của showbiz Việt: Diễm My 6x, siêu mẫu Thanh Hằng, siêu mẫu Ngọc Quyên, Song Luân, người đẹp Lan Khuê, hotgirl Midu, Lâm Vinh Hải…
Có thể khẳng định Mẹ chồng là sự trở lại đầy bất ngờ sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh rộng của Thanh Hằng.
Trong Mẹ chồng, Thanh Hằng vào vai mợ Ba Trân - một cô gái xinh đẹp, con nhà gia giáo, được gả vào làm dâu nhà họ Huỳnh là Hội đồng Lịnh quyền uy nhất Đại Điền (bối cảnh giả định trong phim).
Thanh Hằng vào vai nhân vật Ba Trân
Thế nhưng, vì để mất đứa con nên cô đã phải chịu sự đay nghiến khắc nghiệt của mẹ chồng - bà Hội đồng (Diễm My 6x). Không chỉ bị đuổi ra căn nhà chính, Ba Trân còn phải chứng kiến chồng mình lấy vợ hai là Bảy Loan (Ngọc Quyên thủ vai).
Ba Trân tìm mọi cách để giữ chân chồng và sinh được một cậu con trai – Hai Phước (Lâm Vĩnh Hải vào vai). Từ đó, cô trở thành mợ cả quyền lực, thống lĩnh gia tộc họ Huỳnh.
Thanh Hằng đã thể hiện rất tròn vai diễn của mình. Đó là nét dịu dàng, điềm đạm của một cô gái đôi mươi xinh đẹp. Đó là sự nhẫn nhục của người vợ bất hạnh trong một gia đình phong kiến. Đó là nét quý phái, sang trọng của người phụ nữ trưởng thành. Đó là ánh mắt sắc bén của người đàn bà từng trải nhiều đắng cay.
Tất cả đều vừa đủ để tái hiện lại hình ảnh một mợ cả Ba Trân quyền lực, đầy hận thù nhưng cũng vô cùng đáng thương.
Ngọc Quyên vào vai người vợ hai Bảy Loan
Mặc dù không xuất hiện quá nhiều nhưng Diễm My 6x, Ngọc Quyên, Midu, Lan Khuê cũng đủ để tạo nên một “chuỗi mâu thuẫn” giữa mẹ chồng - nàng dâu nối dài từ đời này sang đời khác.
Cũng có thể vì Mẹ chồng chủ yếu khai thác ở góc độ “mẹ chồng-nàng dâu” cho nên rất tiếc, những người đàn ông trong gia đình Hội đồng Lịnh lại không được khai thác và có nhiều đất diễn.
Âm nhạc và trang phục là một điểm cộng
Bộ phim được lấy bối cảnh ở một vùng quê miền Tây Nam Bộ trong những năm 50 nhưng từ âm nhạc, cách tạo hình và phục trang của nhân vật đều không quá cổ xưa. Đây là yếu tố giúp bộ phim dễ dàng tiếp cận với nhiều lứa tuổi khán giả hơn.
Nhạc phim khá đa dạng từ thể loại (cải lương, thơ, vè, nhạc trẻ..) đến các nhạc cụ dân tộc… Tất cả đều được tính toán và cân nhắc vang lên đúng thời điểm khiến cảm xúc của khán giả dễ dàng cuốn theo mạch câu chuyện.
Cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu nối dài giữa các thế hệ
Trang phục nhân vật trong Mẹ chồng được NTK Thủy Nguyễn chăm chút khá tỉ mỉ. Mỗi bộ trang phục, từ màu sắc, chất liệu, kiểu dáng đến họa tiết đều góp phần thể hiện tính cách của mỗi nhân vật.
Tuy nhiên, khi từng nét trang điểm, từng đường may trang phục quá cầu kỳ, hơn nữa lại được khoác trên mình những người mẫu hàng đầu sẽ khiến khán giả hình dung đến một show trình diễn thời trang thay vì đi sâu khám phá nội tâm nhân vật.
Cốt truyện vừa mới, vừa cũ nhưng vẫn chưa “đã”
Mẹ chồng được kết cấu theo 4 hồi xuân - hạ - thu - đông, một vòng tròn luẩn quẩn giữa định kiến và nỗi đau của người phụ nữ thời phong kiến.
Tuyết Mai (Midu) như một cánh én nhỏ mang đến mùa xuân tươi trẻ, sự yêu đời và tràn đầy khát vọng sống.
Bảy Loan (Ngọc Quyên) như một chiếc lá mùa hạ, nhu mì và chai lì cam chịu sự héo tàn của số phận. Tư Thì (Lan Khuê) như mặt nước mùa thu phẳng lặng nhưng ẩn sâu trong đó là sự lạnh lùng.
Ba Trân (Thanh Hằng), một tảng băng mùa đông lạnh giá nhưng vẫn khao khát yêu đương và rất sợ cô độc.
Midu vào vai Tuyết Mai - vợ hai Hai Phước (con trai Ba Trân)
Tất cả đều chịu nỗi đau, lề thói gia đình, xã hội trói buộc cuộc đời người phụ nữ.
Từng nỗi thống khổ từ khi bước chân về nhà chồng, trách nhiệm sinh con nối dõi, nỗi uất hận khi phải chịu kiếp chồng chung cho đến khi trở thành những bà mẹ chồng tiếp tục áp đặt điều đó lên đời sau đều là những mâu thuẫn đã tồn tại xuyên suốt trong xã hội Việt Nam từ nhiều thế kỷ.
Bộ phim được bao trùm bởi một không gian u ám, uất hận. Tuy nhiên, những mâu thuẫn đó lại khiến công chúng dễ dàng đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Là một đề tài vừa cũ vừa mới, vừa dễ lại vừa khó, Mẹ chồng cũng không tránh khỏi những hạt sạn như còn nhiều chi tiết lan man, một số nhân vật chưa được khai thác kỹ để tạo điểm nhấn mới lạ.
Tư Thì (Lan Khuê) - vợ cả Hai Phước (Lâm Vĩnh Hải)
Thế nhưng, về tổng thể, Mẹ chồng vẫn tái hiện được hình ảnh, số phận của những người phụ nữ trong cuộc chiến giành quyền lực.
Một chút ngưng lại bởi hạnh phúc lẫn oan ức tột cùng. Một chút đớn đau vì những luật lệ phong kiến hà khắc. Một chút nuối tiếc về những chuyện tình dang dở và những cái chết đầy tức tưởi. Một chút thăng hoa của tình yêu, tình dục… cũng đủ mang đến thông điệp đầy tính nhân văn của Mẹ chồng: "Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu"./.
Theo CTV Nguyễn Dung/VOV.VN