Kể từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện cách đây 25 năm, đến nay cả nước có 250 nghìn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 90 nghìn người chết vì căn bệnh này. Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, tỷ lệ người nhiễm và chết do HIV/AIDS ở nước ta thời gian qua đã liên tục giảm. Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10 - 11 đến 10 - 12) năm nay được Bộ Y tế chọn chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn đại dịch này ở Việt Nam.
Năm 2017 là năm thứ mười liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người chết do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi công tác phòng, chống HIV ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.Việt Nam đứng thứ năm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số ca nhiễm HIV. Mặc dù đã triển khai toàn diện các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, nhưng tình trạng lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, cả nước vẫn phát hiện khoảng gần 10 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh báo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý, sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ trở thành sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đang giảm, nhất là nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm mạnh trong khi độ bao phủ các dịch vụ can thiệp, nhất là các dịch vụ dự phòng vẫn còn thấp và chưa đủ mạnh…
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, trong gần mười năm qua, Việt Nam đã dự phòng được cho hơn 500 nghìn người nhiễm mới HIV và 150 nghìn người tránh khỏi tử vong vì HIV/AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang có xu hướng chững lại, nhưng về cơ bản chưa khống chế được. Chính vì vậy, để tránh nguy cơ làm bùng nổ dịch, các bộ, ban, ngành cần triển khai biện pháp can thiệp một cách hiệu quả, nhất là phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh để triển khai các hoạt động. Trước đây, 90% kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế viện trợ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí này đang bị cắt giảm mạnh và đến hết năm 2018, tất cả các nguồn kinh phí hỗ trợ điều trị bằng thuốc ARV và kinh phí trong công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ không còn nữa, điều này khiến việc phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã và đang dành thêm ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV... Bộ Y tế đã đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng hơn 30% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền tập trung vào việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV và trách nhiệm của người nhiễm HIV với gia đình, xã hội; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; mở rộng xét nghiệm HIV sớm...
Theo THANH MAI/nhandan.com.vn