Được lựa chọn làm tác phẩm đánh dấu sự ra đời của Lucteam - đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền bắc theo đuổi sân khấu kịch ước lệ, vở diễn Cơn ghen của Lọ Lem mang tới cho công chúng những trải nghiệm bất ngờ với ngôn ngữ diễn xuất mới lạ, ấn tượng của ê-kíp sáng tạo.
Một cảnh trong vở Cơn ghen của Lọ Lem.
Vở diễn Cơn ghen của Lọ Lem được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn, nhà viết kịch lừng danh người Pháp thế kỷ 17 Mô-li-e. Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi còn giữ được kịch bản nguyên gốc từ 500 năm trước. Song với ngôn ngữ kịch hiện đại, mới mẻ kết hợp thủ pháp giễu nhại của kịch quảng trường, sân khấu Lucteam đã biến xã hội tiểu thị dân nước Pháp cách đây nhiều thế kỷ, trở thành câu chuyện Việt Nam thời hiện đại với những mâu thuẫn gia đình "thời facebook", những sự kiện xã hội nóng hổi. Ở đó, có ông chồng gia trưởng hay ghen, cô vợ điêu toa thích cặp kè mơ mộng về tình yêu vĩnh cửu, có những kẻ sĩ diện rởm đời thích khoe khoang, gian thương làm ăn chộp giật, kẻ cơ hội sẵn sàng đầu cơ trục lợi… Không phông nền, cảnh trí để tạo không gian, cũng không có diễn viên quần chúng; từ đầu đến cuối vở diễn chỉ vỏn vẹn chiếc điện thoại nhỏ xíu, chiếc xe máy lùn tịt và đến cuối xuất hiện thêm một cánh cửa làm đạo cụ, các tình huống kịch cứ thế cuốn đi theo mạch diễn nhanh, liên tiếp không ngừng của diễn viên. Sân khấu tối giản hết mức cho nên tâm điểm chú ý dồn cả vào nghệ sĩ, đòi hỏi người diễn phải cùng lúc sử dụng nét mặt, ánh mắt, lời thoại, vũ điệu, tiếng hát, giải phóng toàn bộ cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để chạm được đến cảm xúc của khán giả; từ đó tương tác, khơi gợi trí tưởng tượng và cuốn họ vào dòng chảy của câu chuyện. Đây cũng chính là cách diễn kịch theo lối biểu hiện ước lệ của sân khấu - phương pháp sáng tạo mà Lucteam xác định theo đuổi.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực, người sáng lập và trực tiếp đào tạo Lucteam chia sẻ: Bản thân phương pháp ước lệ luôn mang tính đương đại, dù dàn dựng vở diễn ra đời từ quá khứ xa xôi thì cũng vẫn thể hiện cái nhìn ở thì hiện tại. Với Cơn ghen của Lọ Lem, ê-kíp sáng tạo đã chứng minh tính đương đại đó khi đưa vào vở diễn những lời thoại được cập nhật theo đúng ngôn ngữ giới trẻ, những sự kiện được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Ngoài ra, sắc màu hiện đại của vở diễn còn được thể hiện qua hàng loạt bản nhạc được thay lời mới theo giai điệu của những bản hit đình đám như Đường cong, Vũ điệu hoang dã... Diễn viên của đoàn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, có thể không nhảy thật đẹp, hát thật hay nhưng biết sử dụng âm nhạc, lời ca và vũ điệu để lột tả được vai diễn rõ nét nhất. Đây cũng là yếu tố khiến một vở diễn kinh điển qua cách thể hiện của Lucteam trở nên giàu tính giải trí.
Nhà biên kịch Bùi Chí Hùng, người phụ trách kịch bản cho Lucteam chia sẻ: Xác định đi theo sân khấu kịch ước lệ đối với một đoàn kịch tư nhân chưa có lượng khán giả và nơi biểu diễn ổn định là thách thức không nhỏ của Lucteam, nhưng cả đoàn tin tưởng vào con đường nghệ thuật mình đã chọn. Mới đầu xem, khán giả có thể chưa quen vì hình thức này quá lạ lẫm, nhưng rồi sẽ thấy hay và thú vị khi được tương tác, bị cuốn theo mạch diễn của câu chuyện. Lối diễn này được kỳ vọng sẽ đặc biệt hấp dẫn những công chúng trẻ - đối tượng lâu nay không mấy mặn mà với sân khấu kịch.
Được biết, sau buổi công diễn đầu tiên, cuối tháng 11 và trong tháng 12 tới, Cơn ghen của Lọ Lem tiếp tục được giới thiệu tại sân khấu của Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace. Đây là vở diễn được chọn để ra mắt Lucteam, nhưng dấu ấn của đoàn kịch đã tương đối rõ nét ngay từ Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016, khi lần đầu tiên mang vở Quẫn của tác giả Lộng Chương tham dự và giành Huy chương bạc. Ba diễn viên tham gia vở diễn nhận được một Huy chương vàng, hai Huy chương bạc, đạo diễn Trần Lực được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Sự ghi nhận bước đầu này đã giúp Lucteam có thêm động lực và niềm tin để nghiêm túc theo đuổi sân khấu kịch ước lệ. Tới nay, ngoài hai vở kịch trên, đoàn cũng đã hoàn thành xong vở Bà Triệu theo hình thức kịch bi tráng, dự kiến sớm ra mắt công chúng.
Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn