Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung khẳng định, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về công tác phòng chống, điều trị để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, để làm điều đó, y tế cơ sở phải hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác dự phòng và quản lý người bệnh tại địa phương.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung.
Việt Nam đang đi đầu trong công tác phòng chống lao
Việt Nam vừa tham gia Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về Phòng chống lao do Chính phủ Liên bang Nga và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp tổ chức tại Moskva, Liên bang Nga với chủ đề: Kết thúc bệnh lao trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Tại đây, Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường đã chia sẻ với thế giới về những thành tựu của Việt Nam trong phòng chống lao.
Theo đó, từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo WHO.
Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. Chương trình Phòng chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.
Năm 2009, Việt Nam bắt đầu chương trình điều trị lao đa kháng thuốc. Đến nay, đã điều trị được cho khoảng 11 nghìn ca bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ thành công hơn 70%. Để kiểm soát bệnh lao đa kháng thuốc, Chương trình chống lao quốc gia đã áp dụng chương trình quản lý bệnh lao điện tử để hỗ trợ bệnh nhân từ cấp cơ sở.
PGS,TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Hiện, Việt Nam đã đạt được độ bao phủ lao rất nhanh, tới 50% dân số, trong khi thế giới mới chỉ đạt 1/5 dân số toàn cầu. Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam đã đạt trên 70%. Nếu điều trị theo phác đồ chín tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%. 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí "thảm họa" như trước.
Thách thức chấm dứt lao vào năm 2030
Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết vừa được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cơ bản thông qua là nền tảng quan trọng để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Chương trình sẽ truyền thông mạnh mẽ, bảo đảm nguồn lực và tiếp cận thực hành lồng ghép dịch vụ phòng chống lao với dịch vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD) để củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhằm phổ cập dịch vụ phòng chống lao chuẩn cho mọi người dân.
“Mục tiêu chúng tôi đang đặt ra đến năm 2030, sẽ giảm 80% số bệnh nhân lao; giảm 90% tử vong do lao và 100% gia đình mắc lao không bị ảnh hưởng thu nhập” – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, PGS,TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, cần phải đẩy mạnh hoạt động tại y tế cơ sở hơn nữa. “Công tác phòng chống lao đã làm tốt hơn chục năm qua với số lượng 19 nghìn cán bộ được đào tạo điều trị bệnh lao. Hiện, phác đồ chữa lao là sáu tháng và lao đa kháng thuốc tới 20 tháng. Muốn dự phòng, điều trị lao tốt, phải có y tế cơ sở mạnh để phát hiện lao sớm, quản lý, điều trị tại cộng đồng”.
Một thách thức nữa về mặt kinh phí cũng được đặt ra với Việt Nam khi tới đây, các tổ chức nước ngoài rút nguồn viện trợ. TS Nhung cho rằng, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là nguồn tài chính bền vững nhất để hỗ trợ người mắc lao. Hiện, BHYT đã chi trả cho việc chẩn đoán và điều trị lao. Đến năm 2019, BHYT sẽ bao phủ thuốc (hàng 1) điều trị cho bệnh nhân lao.
Bên cạnh đó, vào tháng 3-2018, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ huy động cộng đồng xây dựng Quỹ phòng chống lao với tên gọi Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Quỹ có mục tiêu chính hỗ trợ người bệnh. Với bệnh nhân chưa có BHYT, Quỹ sẽ hỗ trợ mua bảo hiểm. Với bệnh nhân có BHYT mà chưa thể chi trả cho một số loại thuốc, sẽ Quỹ đồng chi trả.
Việt Nam hiện nằm trong danh sách các quốc gia có gánh nặng cao về bệnh lao và lao đa kháng thuốc với khoảng 12 nghìn ca bệnh lao vào hơn sáu nghìn trường hợp mắc mới lao kháng đa thuốc mỗi năm.
Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn