Cập nhật: 20/12/2017 10:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhắc đến Quang Yên (Sông Lô), chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến lễ hội xuống đồng, những câu hát sình ca của dân tộc Cao Lan. Tuy nhiên, ngoài đời sống văn hóa phong phú dân tộc Cao Lan nơi đây còn có những món ăn đặc sắc không kém. Trong số đó, nổi bật nhất vẫn là món đặc sản gỏi cá mè. Bất cứ ai đã từng một lần được thưởng thức món gỏi cá mè ở Quang Yên thì không thể quên được hương vị gỏi cá mè đặc trưng riêng biệt của vùng quê này. Vị ngọt thơm của cá mè gỏi, cái ngọt ngọt, cay cay, bùi bùi của bát nước chấm hòa quyện với hương vị của các loại rau thơm, cộng thêm một chút cay nồng của chén rượu nhỏ, chắc chắn sẽ làm các bạn thấy hài lòng.

Sáng sớm, theo chân anh Hoàng Văn Đồng - dân tộc Cao Lan, thôn Xóm Mới, chúng tôi cùng anh đi câu hi vọng sẽ chọn được một con cá mè vừa ý. Anh chia sẻ: “Cá mè càng to sẽ càng ngon, nếu cá bé quá sẽ không có thịt. Nếu các bạn muốn tự làm có thể về mua cá, ngon nhất là chọn loại mè trắng, loại này ít tanh hơn mè hoa nhưng nhớ chọn cẩn thận nếu mua phải cá nuôi thì thịt sẽ bở, làm gỏi không ngon”. Với kinh nghiệm vốn có hôm đó chúng tôi đã câu được 1 con cá mè hơn 3kg. Sau khi rửa và đánh vảy sạch sẽ, anh Đồng tiến hành lọc thịt cá. Món gỏi cá mè chỉ dùng hai bên thăn cá. Sau khi cá được lọc xong, dùng giấy thấm khô cá. Lấy chút rượu trắng đổ vào tô sứ rồi nhúng cá vào trong rượu để khử tanh. Khi vớt ra, cá đã có chút đổi màu từ màu đỏ tươi sang trắng. Tiếp đến kỹ thuật thái gỏi cũng là một yếu tố quan trọng và vô cùng tỉ mỉ. Từng lớp cá mỏng và to bản được khéo léo lướt nhẹ nhàng dưới lưỡi dao sắc bén. 

 

Anh Đồng đang tiến hành đánh vảy cá

Sau khi thái lát xong, chúng tôi đã thấy anh Đồng chuẩn bị một nồi nước tai chua đã được đun nóng ước chừng nhiệt độ tầm 80 độ C, không được để nước sôi vì nước sôi sẽ làm chín cá. Tiếp theo, nhúng cá vào nồi nước tai chua sau 2 phút thì vớt ra và để ráo nước, lúc này cá đã tái. Trong thời gian chờ đợi cá ráo nước, chúng tôi cùng với chủ nhà đi hái lá ăn kèm như: Lá nhội, búp ổi tàu, lá cải cay, lá sung, rau dăm…

Trước khi ăn, thính ngô rang chín được rắc và trộn đều vào cá cho cá dậy mùi thơm của thính, đồng thời càng làm cho cá thêm khô và ráo nước. Tương bần được trộn cùng với gừng, ớt thái nhỏ được lựa chọn làm nước chấm cho gỏi cá mè. Món nước chấm gỏi cá mè ở Cao Lan không quá cầu kỳ mà rất giản dị và gần gũi như tính cách của người dân nơi đây.

 

Gỏi cá mè sau khi đã hoàn thành

Việc làm ra gỏi cá đã một công phu, nhưng thưởng thức gỏi cá còn là cả một nghệ thuật. Thực khách dùng lá nhội, lá cải cay, búp ổi để gói. Đặt miếng cá vào giữa rồi cuộn lại, chấm vào nước chấm rồi đưa lên miệng cảm nhận vị ngọt thơm của cá; ngọt ngọt, cay cay, bùi bùi của nước chấm với mùi vị của các loại rau thơm, nhấp thêm chén rượu gạo nồng đượm với những người anh, người chú, người cô người dân tộc Cao Lan quả là thú vị biết bao.

Nhiều khi chúng tôi vẫn tò mò và băn khoăn rằng “đã nghe kể nhiều về gỏi cá mè Quang Yên nhưng chẳng thấy có nhà hàng, quán ăn nào chế biến, bán món gỏi để mà thưởng thức”. Nhưng rồi nghĩ lại mới thấy: Một món ăn mất nhiều thời gian chế biến như thế, có lẽ người Cao Lan chỉ dùng để chiêu đãi khách quý, bạn tâm giao. Ngồi trên nhà sàn, nghe chim hót và thưởng thức món gỏi cá mè cùng vài chén rượu thơm nồng. Có lẽ đó mới là không gian thực sự của gỏi cá mè Quang Yên. Còn bạn, sao bạn không thử một lần về thôn xóm Mới, xã Quang Yên để thưởng thức gỏi cá mè xem sao? Chắc hẳn bạn sẽ khó quên.

ST

Tệp đính kèm