Làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa được nhiều người biết đến bởi nơi đây có nghề đúc đồng truyền thống, bằng đôi bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của người dân đã đưa kỹ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao mới, khẳng định sức sống mới của làng nghề truyền thống xứ Thanh.
Hoàn thiện sản phẩm trống đồng tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Bá Châu, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).
Trà Đông cách TP Thanh Hóa 12km về phía Tây Bắc với nghề đúc đồng hàng trăm năm. Nhưng cũng như các làng nghề truyền thống khác ở trong cả nước, làng nghề đúc đồng Trà Đông cũng đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử tồn tại và phát triển nghề. Có thời điểm, nghề đúc đồng Trà Đông tưởng chừng không giữ được, trong làng chỉ còn khoảng vài hộ giữ lửa theo nghề, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Trước sóng gió của cơ chế thị trường, để tồn tại và phát triển nghề của ông cha, người dân trong làng đã tìm tòi, sáng tạo để giữ lửa làng nghề. Theo những nghệ nhân trong làng cho biết: Sự kiện đánh dấu bước phát triển thịnh vượng cho làng nghề Trà Đông hôm nay chính là việc các nghệ nhân đã nghiên cứu và đúc thử nghiệm thành công chiếc trống đồng cổ Đông Sơn - một sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Với những đôi bàn tay tài hoa cùng với tư duy sáng tạo, quyết đoán và những bí kíp nghề quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ đã làm nên kỳ tích hiếm có và đầy tự hào cho làng nghề Trà Đông.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu là một trong những người đã góp phần rất lớn vào việc truyền lửa, phục hưng làng nghề Trà Đông kể lại: Trước những khó khăn của làng nghề lúc bấy giờ, tôi cùng với một số anh em đam mê với nghề đúc đồng đã ngày đêm nghiên cứu những bí quyết đúc đồng của ông cha và kết hợp với khoa học công nghệ để tìm hiểu sự tinh túy của trống đồng và vào năm 2000, sau một quá trình tự mày mò, nghiên cứu tôi cùng êkip thợ đã đúc thành công chiếc trống đồng cổ với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ.
Anh chia sẻ thêm: Đúc hình dáng các sản phẩm bằng đồng đã khó, tạo âm thanh cho sản phẩm còn khó hơn nhiều. Do đó để đúc trống đồng người nghệ nhân phải hiểu nhạc cụ, nhạc khí và thạo nghề, phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc bí truyền của dòng họ. Sau khi đúc thành công trống đồng, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu và các nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng Trà Đông như: Lê Văn Bảy, Đặng Ích Hoàn, Đặng Ích Hân... tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đúc ra các sản phẩm trống đồng lập nhiều kỷ lục đáng tự hào như năm 2007, nhóm nghệ nhân Lê Văn Bảy đúc thành công chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm đó, với đường kính mặt trống 1,51m, đường kính tang 1,55m, đường kính đáy 1,54m, chiều cao 1,21m. Năm 2013 nhóm nghệ nhân Lê Văn Bảy tiếp tục xác lập kỷ lục mới bằng việc đúc thành công chiếc trống đồng với hoa văn và phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m. Đặc biệt, vào năm 2010, những nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông đã tham gia đúc 100 chiếc trống đồng để dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...
Cùng với sự năng động sáng tạo của người dân Trà Đông, những năm qua để khuyến khích phát triển làng nghề, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo xã Thiệu Trung quy hoạch gần 6 ha làng nghề tập trung, đồng thời, có cơ chế khuyến khích các hộ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xã còn đứng ra giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề... Hiện nay, trước sự cạnh tranh của các sản phẩm đúc đồng từ các làng nghề truyền thống của cả nước, muốn tồn tại được những người thợ làng Trà Đông xác định phải làm ra những sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về chất lượng, giá cả và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Vì vậy, làng nghề không ngừng nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại. Sản phẩm không chỉ phong cách truyền thống mà còn thích ứng với nhu cầu thẩm mỹ hiện đại. Các cơ sở đúc đồng cũng liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nghề đúc đồng Trà Đông mãi vang danh trong cả nước.
ST