Cập nhật: 22/12/2017 10:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong khi những quy định pháp luật về lao động đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp thì lộ trình sửa Bộ Luật Lao động dự kiến sẽ kéo dài thêm 2 năm nữa. Đại diện doanh nghiệp đề xuất phải có cơ chế gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời gian chờ bộ luật mới.

 

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Đó là kiến nghị của các doanh nghiệp được đưa ra tại buổi Đối thoại với doanh nghiệp về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội.

Vẫn nóng tiền lương và làm thêm giờ

Theo các doanh nghiệp, hiện nay nhiều quy định pháp luật lao động bất cập, cản trở sự phát triển, giảm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi các quy định đang rất cấp bách. Khó khăn của doanh nghiệp vẫn tập trung chủ yếu vào vấn đề tăng lương tối thiểu hằng năm và quy định về thời gian làm thêm giờ đang “bó chân” doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm cao nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể, một số chỉ tiêu để xác định lương tối thiểu vùng chưa hợp lý, dẫn đến bất cập trong việc định nghĩa mức sống tối thiểu. Doanh nghiệp không biết lúc nào sẽ dừng tăng lương và tăng bao nhiêu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nêu đề nghị: “Cần ngừng tăng lương tối thiểu vùng, hoặc 2-3 năm mới xem xét tăng lương một lần. Doanh nghiệp tồn tại, phát triển thì lúc đó người lao động mới có việc làm.”

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh năng suất lao động, giá thành sản phẩm không tăng thì việc tăng lương tối thiểu sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Tăng lương tối thiểu không những không làm tăng mà thậm chí làm giảm thu nhập của người lao động.

Gặp phải khó khăn khác khi thực thi quy định của Bộ Luật Lao động, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng cần phải sửa đổi quy định về thời giờ làm thêm theo hướng tăng từ không quá 300 giờ/năm lên 400-600 giờ/năm.

“Các doanh nghiệp khác có thể lách luật để tăng giờ làm thêm, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản chúng tôi rất tuân thủ pháp luật Việt Nam. Chính vì không được tăng ca nên thu nhập thấp hơn các doanh nghiệp khác, dẫn đến không thu hút được lao động để phát triển. Nếu Việt Nam tiếp tục giữ giờ làm thêm như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành nghề cần nhiều lao động,” bà Huyền nhấn mạnh.

 

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Phải chờ hơn 2 năm nữa

Mặc dù đã có tới khoảng 60 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động năm 2012 nhưng pháp luật lao động hiện nay vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề phát sinh trong thực tế. Đặc biệt, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi pháp luật lao động phải thay đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, bất cập của hệ thống pháp luật lao động là quá nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng lại chồng chéo. Thậm chí, có vấn đề cần có nghị định, thông tư hướng dẫn thì lại không có.

“Tôi đề nghị cần có sự cách cách toàn diện hệ thống pháp luật. Khi sửa đổi và ban hành Bộ Luật Lao động mới đã kèm theo Nghị định, thông tư hướng dẫn,” ông Trương Văn Cẩm nói.

Theo ông Mai Đức Thiện, các chính sách lao động sửa đổi tập trung vào các quy định đang gặp vướng mắc, bất cập cũng như các vấn đề mới phát sinh từ thực tế. Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến, dự kiến sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu vào cuối tháng 3/2018 để thẩm tra, lấy ý kiến hoàn thiện và trình phê duyệt trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2019.

Đối với lộ trình sửa Bộ Luật Lao động, một số doanh nghiệp kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm thúc đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung luật để trình Quốc hội sớm, không nên để đến năm 2019 mới trình như dự kiến vì Bộ Luật lao động đã bộc lộ nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo bà Đào Thị Thu Huyền, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nhiều lần lấy ý kiến của doanh nghiệp, mọi ý kiến đã được tập hợp. Nếu chậm trễ sửa đổi thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong lúc chờ sửa luật, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thể nghiên cứu ban hành các nghị định, thông tư “gỡ khó” cho doanh nghiệp./.

Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-sot-ruot-vi-sua-doi-bo-luat-lao-dong-keo-dai-them-2-nam/480726.vnp

Tệp đính kèm