Cập nhật: 22/12/2017 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Nhà nước không hỗ trợ trực tiếp cho các start-up mà chỉ hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, vốn mồi thông qua các Trung tâm ươm tạo và tư vấn khởi nghiệp…

 

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin trên được ông Tùng đưa ra tại Hội thảo liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp tổ chức ngày 21/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà nước chỉ đưa vốn mồi…

Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt thêm Đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, thanh niên và phụ nữ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tập trung triển khai xây dựng và thực hiện các nội dung của Đề án 844 [Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025-pv].

Với quan điểm Nhà nước không hỗ trợ trực tiếp cho các start-up mà chỉ hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, vốn mồi thông qua các Trung tâm ươm tạo và tư vấn khởi nghiệp…, ông Tùng cho rằng, làm như vậy sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi lẽ, việc thông qua các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp nói chung sẽ giúp start-up có các chuyên gia tư vấn tốt, hướng dẫn họ ‘cách đi’ và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để phát triển sự nghiệp.

Một điều rất quan trọng, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng chính là làm thế nào để huy động nguồn lực của xã hội: “Nhà nước chỉ đưa ra vốn mồi, còn nguồn lực lớn nhất sẽ huy động từ nguồn kinh phí xã hội. Điều này là quan điểm rõ ràng trong quá trình thực hiện hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.”

Đồng tình, đại diện đến từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiện vẫn chưa có đủ sự kết nối cộng sinh, đáp ứng được sự cạnh tranh ngày càng lớn của quá trình hội nhập. Bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ của các thành phần để liên kết được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có các vườn ươm mục đích chính là để tạo môi trường trải nghiệm thực tế cho sinh viên, giúp sinh viên tích lũy các kiến thức, kỹ năng về quản trị dự án khởi nghiệp.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đã hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo bằng cách xây dựng mạng lưới chuyên gia, tư vấn, cố vấn thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Cùng lúc, kết nối với các quỹ đầu tư như IDG, Dragon Capital, Spring…; xây dựng mạng Sàn giao dịch công nghệ, Công thông tin giao dịch công nghê; hỗ trợ hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo…

 

Trình diễn công nghệ mới tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Không thể một mình…

 

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Phạm Hồng Quất cho rằng, phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần ba trụ cột chính. Thứ nhất là nâng cao năng lực, nhận thức, đặc biệt từ phía các địa phương và các trường đại học. Thứ hai, cần nâng cao truyền thông để tạo ra văn hóa khởi nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp, có nghĩa dám chịu, dám làm, dám dứng lên và bắt đầu lại sau thất bại.

Thứ ba là start-up không nên một mình và phải liên kết. Lý giải, ông Quất cho biết, trong hệ sinh thái thì Viện nghiên cứu, Trường đại học và tổ chức cá nhân, doanh nhân là như nhau. Vì vậy, cần học hỏi lẫn nhau về các bước đi phù hợp...

Ngoài ra, bên cạnh con người, các start-up cần có nguồn lực về tài chính, dù ít hay nhiều vẫn nên có “bà đỡ” ban đầu từ phía địa phương để kích thích khu vực tư nhân tham gia với nhà nước hỗ trợ cho khởi nghiệp.

Để tạo thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho ra mắt Cổng thông tin kết nối khởi nghiệp Việt Nam. Đây là nơi kết nối những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, tư vấn, cơ quan quản lý và rất nhiều đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 40 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang hỗ trợ cho các start-up cũng như hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương...

“Chúng tôi hy vọng và mong muốn hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đi vào thực chất, sử dụng được các kết quả sáng tạo của Việt Nam để phát triển kinh tế, triển doanh nghiệp và có những bước chuyển biến mạnh mẽ, dùng khoa học công nghệ, ý tưởng sáng tạo để phát triển đất nước…,” Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ./.

Theo L.TRƯƠNG (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/khoi-nghiep-sang-tao-nha-nuoc-chi-ho-tro-ve-chinh-sach-von-moi/480771.vnp

Tệp đính kèm