Điện Biên - mảnh đất cực Tây của Tổ quốc hứa hẹn sẽ đem đến vô vàn điều thú vị cho du khách ghé thăm, từ những di tích lịch sử hào hùng, thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, tới văn hóa phong tục đặc sắc…
Phong phú tài nguyên thiên nhiên
Nằm cách thủ đô Hà Nội 500km về phía tây, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới thuộc khu vực Tây Bắc. Được mẹ thiên nhiên ưu đãi, Điện Biên có những cánh đồng rộng lớn, những cung đèo hiểm trở, hay những hang động đầy huyền bí đủ để níu chân bất kỳ du khách nào khi đến đây.
Có thể kể đến những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Điện Biên như đèo Pha Đin, cánh đồng Mường Thanh, cột mốc tại A Pa Chải - cực Tây Tổ quốc, hồ Pá Khoang, động Pa Thơm gắn liền với truyền thuyết tình yêu đôi lứa, động Xá Nhè - một trong những động đẹp nhất Điện Biên, suối nước nóng Hua Pe…
Không quá khi nói rằng, Điện Biên là mảnh đất 4 mùa du lịch. Bởi đến Điện Biên vào thời điểm nào, du khách cũng có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ nơi đây: ngắm hoa ban nở trắng Tây Bắc vào dịp mùa xuân (tháng 3), săn lúa chín vàng vào khoảng tháng 8 - 9 hay thưởng thức hoa dã quỳ nở rộ hai bên đường vào tháng 12 dương lịch.
Trên cung đường khám phá Điện Biên, du khách sẽ đi qua ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La - Điện Biên là đèo Pha Đin - một trong “tứ đại đèo” nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc. Nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, đèo Pha Đin dài 32km uốn lượn quanh các dãy núi, địa hình chia cắt mạnh tạo nên một khung cảnh hùng vỹ khi một bên là dốc núi dựng đứng, và một bên là vực sâu thăm thẳm. Đúng như ý nghĩa tên gọi Pha Đin, nghĩa là nơi gặp gỡ giữa đất và trời. Chinh phục đèo Pha Đin hứa hẹn là một trải nghiệm lý thú cho du khách ưa khám phá, đặc biệt là các “phượt thủ” trên cung đường đầy thử thách này.
Một điểm du lịch không thể không nhắc đến ở Điện Biên là hồ Pá Khoang. Nổi tiếng với thảm thực vật phong phú, được bao bọc bởi khung cảnh nên thơ hữu tình cùng những vườn địa lan rực rỡ khoe sắc, đây xứng đáng là điểm dừng chân thú vị cho những du khách muốn tìm kiếm sự bình yên, thanh tịnh. Với những tiềm năng du lịch sẵn có, địa danh này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang từ ngày 24/8/2015.
Theo đó, khu du lịch thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và 2 xã Pá Khoang, Mường Phăng, huyện Điện Biên với diện tích quy hoạch dự kiến là 2.500 ha. Mục tiêu đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đón được khoảng 650 ngàn lượt khách với 170 ngàn lượt khách quốc tế, thu 1.400 tỷ đồng và đem lại việc làm cho 13 ngàn lao động. Sau khi được đầu tư quy hoạch, Điện Biên Phủ - Pá Khoang được kỳ vọng sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở kỹ thuật hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc và là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, vào thời gian từ tháng 2-3, khi không khí ấm áp của mùa xuân tràn về là lúc cả núi rừng Điện Biên được phủ một màu trắng của hoa ban - biểu trưng của Tây Bắc. Khám phá cung đường Tây Bắc mùa này, du khách choáng ngợp bởi một màu trắng tinh khiết của hoa ban, từ khoảng sân, từ mái hiên hay bên những rẻo ruộng bậc thang, hoa ban thắm nở nặng trĩu từng chùm. Không dung dị như hoa đào, gần gũi như hoa mận, hoa ban mang trong mình vẻ đẹp mỏng manh, dịu dàng như người con gái Thái nhưng không kém phần quyến rũ và kiêu sa.
Ngoài ra, có dịp đến Điện Biên vào khoảng tháng 8-9, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một màu vàng óng ả của lúa chín trên cánh đồng Mường Thanh – cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc và là vựa lúa chính của tỉnh Điện Biên. Với diện tích rộng hơn 4.000 ha, từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng như một bức tranh thiên nhiên được nhuộm vàng bởi màu lúa chín và màu dịu dàng của nắng thu.
Đa dạng bản sắc văn hóa
Vốn là nơi sinh sống lâu đời của 21 dân tộc anh em, vì vậy văn hóa đa dạng, giàu bản sắc là thế mạnh trong việc phát triển du lịch văn hóa ở Điện Biên. Điều này được thể hiện trong phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt và các lễ hội của đồng bào dân tộc nơi đây.
Đến Điện Biên vào mùa lễ hội, du khách có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức vào ngày 24-25 tháng 2 âm lịch tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất; lễ hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú được tổ chức vào tháng 3-4 âm lịch nhằm cầu sức khỏe, may mắn và một năm mưa thuận gió hòa, và nhiều lễ hội khác như lễ hội Hoa Ban, đua thuyền đuôi én…
Trong đó, du khách khi đến Điện Biên sẽ không thể bỏ qua một điểm du lịch mang đậm màu sắc vùng cao - đó là các phiên chợ. Có thể kể đến các phiên chợ Xá Nhè, Tả Sìn Thàng, Mường Báng nổi tiếng một vùng của Điện Biên. Tại đây, màu sắc bắt mắt, sặc sỡ của các trang phục dân tộc: từ màu đỏ rực rỡ của trang phục người Mông đỏ, chiếc khăn đa sắc đặc trưng truyền thống của người Dao hay màu trắng tinh khôi trên váy của người Mông trắng sẽ là những ấn tượng khiến du khách khó quên.
Giữa vùng rừng núi ngút ngàn, sương trắng bồng bềnh, ngôi chợ nhỏ nằm e ấp dưới chân núi không chỉ là nơi người ta tụ họp, trao đổi mua bán mà còn là ngày hội của những người dân nơi đây. Trong không khí nhộn nhịp, ấm áp, đây là nơi các nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu và làm quen với nhau. Họ dùng khèn lá, tiếng sáo để tỏ tình, trao nhau những vòng tay, chiếc gương để làm tin. Vì thế, chợ phiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống cũng như tinh thần của người dân Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Hệ thống quần thể di tích lịch sử
Gắn liền với chiến thắng lịch sử vang dội trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Điện Biên nay còn giữ lại nhiều di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ-Cát.
Di tích Hầm Đờ-Cát.
Nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử, đồng thời biểu trưng cho tinh thần đoàn kết và tinh thần cách mạng bất diệt của dân tộc. Hay du khách có thể tham quan đồi A1 (nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) - cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên. Cùng quần thể khu di tích là Nghĩa trang liệt sĩ A1, đây là nơi yên nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Điện Biên Phủ. Trong không gian yên tĩnh, trang trọng, đây là điểm tham quan lịch sử thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước viếng thăm.
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Để thu hút du khách đến với mảnh đất Điện Biên, tỉnh đã ưu tiên phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, về lại chiến trường xưa, du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa… Năm 2016, ngành du lịch Điện Biên đón trên 465.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 710 tỷ đồng. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho trên 12.000 người, trong đó có khoảng 5.000 lao động trực tiếp.
Nếu như Điện Biên xưa được biết đến là cứ điểm cách mạng, gắn với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì Điện Biên nay là sự giao thoa giữa tinh thần cách mạng, truyền thống lịch sử, văn hóa với nét hiện đại, năng động trong thời kỳ hội nhập. Hơn 60 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Điện Biên đang vươn mình phát triển, khắc phục những khó khăn của một tỉnh miền núi biên giới và từng bước thay da đổi thịt trên nhiều phương diện, trong đó ngành du lịch hứa hẹn sẽ được phát triển xứng với tiềm năng./.
ST