Cập nhật: 27/12/2017 10:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 11/2017, cả nước có 2.884 xã (32,30%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Chiến sỹ Trung đoàn 841 giúp dân làm đường giao thông. (Ảnh. Công Tường/TTXVN)

Trong số này, có 326 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 542 xã (5,87%) so với cuối năm 2016; bình quân đạt 13,69 tiêu chí/xã; còn 176 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với cuối năm 2016.

Tính đến hết ngày 15/12, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016 (vượt mục tiêu phấn đấu năm 2017 có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).

Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong hơn 6 năm qua, giao thông nông thôn đã hoàn thành một khối lượng hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010.

Đến cuối năm 2016, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ôtô đến trung tâm xã. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; có 4.498 xã có công trình nước sạch tập trung...

Trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” từ bước đầu thành công tại tỉnh Quảng Ninh, hiện đang lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố và được xác định là một trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế nông thôn.

Đến nay, cả nước có 21 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 11.183 hợp tác xã nông nghiệp. Doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu/hợp tác xã, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, các địa phương đã chủ động có các giải pháp và đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương (tính đến hết 31/1/2017), tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới còn khoảng 9.807 tỷ đồng (giảm 5.412 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016); trong đó có 18 tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản, bao gồm 7 tỉnh không có nợ năm 2015 và 11 tỉnh đã hoàn thành việc xử lý hết nợ trong năm 2016 với kinh phí 329 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn.

Cụ thể, Đồng bằng sông Hồng có 1.101 xã chiếm 58,28% tổng số xã, Đông Nam Bộ có 272 xã chiếm 59,91%. Còn miền núi phía Bắc có 283 xã chiếm 12,41%, Tây Nguyên có 119 xã chiếm 19,83%), Đồng bằng sông Cửu Long có 333 xã chiếm 25,85%), Duyên hải Nam Trung Bộ có 236 xã chiếm 28,57%, Bắc Trung Bộ có 509 xã chiếm 32,01%./.

Theo THÀNH TRUNG (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/ca-nuoc-co-gan-2900-xa-duoc-cong-nhan-dat-chuan-nong-thon-moi/481300.vnp

Tệp đính kèm