Các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cấp cứu thành công một người bệnh đột quỵ nặng bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Người bệnh (75 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng cơ thể liệt hoàn toàn bên phải, không nói được. Từ kết quả khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, người bệnh được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn. Ngay lập tức, phương pháp điều trị thuốc tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối được triển khai. Sau ba ngày điều trị, người bệnh đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa bên người phải có thể vận động gần như bình thường.
Khám sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.
Theo PGS, TS Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 10 đến 20 người bị đột quỵ, tăng khoảng 5 đến 10%. Các bác sĩ cảnh báo, rét đậm kéo dài, số người bệnh bị bệnh đột quỵ và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng do ba nguyên nhân: trời lạnh, huyết áp sẽ tăng là nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ; thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn; môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này khiến cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.
Trong vòng sáu giờ là khung giờ vàng để cấp cứu hiệu quả cho người bệnh đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết. Chính vì vậy, khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại nhà, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu. Không để người bệnh ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ; tuyệt đối không cho người bệnh ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do có thể bị rối loạn phản xạ nuốt.
Trẻ em cũng là đối tượng nhạy cảm dễ mắc bệnh khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế, dễ bị biến chứng do nhiễm lạnh. Các bệnh lý thường gặp với trẻ em mùa lạnh là: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm a-mi-đan...
Bác sĩ khuyến cáo mọi người dân, nhất là người cao tuổi nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột. Những người có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. Cần có lối sống tích cực, tránh mất ngủ và căng thẳng, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, hạn chế đường, muối, ăn nhiều rau, củ, trái cây… Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động cơ thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa; không mặc áo mỏng khi tập thể dục buổi sáng sớm vì rất dễ bị nhiễm lạnh.
Với trẻ nhỏ phải chú ý giữ ấm, nhất là lúc ra ngoài. Cho trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 0C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá. Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm, sốt vi-rút hay hắt xì hơi...
Theo THANH NGA//nhandan.com.vn