Cập nhật: 30/12/2017 11:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kỷ niệm 65 năm thành lập, Nhà hát kịch Việt Nam vừa phối hợp Quỹ Văn hóa Xin-ga-po hoàn thành dàn dựng và chính thức công diễn vở Hồng lâu mộng, dựa trên bộ tiểu thuyết kiệt tác văn học cổ điển Trung Quốc của tác giả Tào Tuyết Cần. Vở diễn do đạo diễn người Xin-ga-po - Tiến sĩ Chua Soo Pong chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản dành cho sân khấu Việt Nam và trực tiếp dàn dựng.

Một cảnh trong vở Hồng lâu mộng của Nhà hát kịch Việt Nam.

Là người am hiểu về các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đã từng có vở diễn dàn dựng trên sân khấu tuồng nước ta, đạo diễn Chua Soo Pong đã nghiên cứu kỹ để xây dựng nên kịch bản phù hợp lối diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Việt Nam. Không có tham vọng và cũng không thể tái hiện toàn bộ nội dung bộ tiểu thuyết đồ sộ nhiều chương, hồi cùng hàng trăm nhân vật, đạo diễn người Xin-ga-po đã tập trung vào một số chương chính của tác phẩm, tái hiện câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của hai nhân vật trung tâm Giả Bảo Ngọc và Lâm Ðại Ngọc. Các tuyến nhân vật cũng được thu gọn lại, qua đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một gia đình quyền quý thời nhà Thanh, Trung Quốc. Bức tranh hiện thực rộng lớn của xã hội phong kiến đang trên con đường suy tàn được tái hiện từ cuộc sống của giới thượng lưu trong phủ đệ gia tộc nhà họ Giả. Trên cái nền mục ruỗng của tầng lớp quý tộc phù hoa được che đậy bởi những tư tưởng, lễ giáo, gia phong hà khắc và vẻ tôn nghiêm giả tạo, cặp trai gái tài sắc Giả Bảo Ngọc và Lâm Ðại Ngọc nổi lên như biểu tượng của sự phản kháng mãnh liệt trước các khuôn phép ràng buộc tàn nhẫn của xã hội phong kiến, mong muốn giải phóng cho khát vọng cá nhân và tình yêu đôi lứa. Họ cùng gặp nhau ở sự đồng cảm trong những quan điểm tự do, phóng khoáng, yêu cái đẹp và nghệ thuật, chán ghét lối học hình thức, chuộng khoa cử công danh. Tình yêu chớm nở và cuộc đấu tranh để bảo vệ tình yêu ấy của Giả Bảo Ngọc và Lâm Ðại Ngọc chính là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến thời bấy giờ...

Nghệ sĩ Tô Tuấn Dũng vào vai Giả Bảo Ngọc đã khắc họa được tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng bảo vệ và đi đến tận cùng với tình yêu và những điều mình tin là đúng, được bao bọc bởi vẻ ngoài thư sinh, mềm yếu của một công tử con nhà quyền quý. Ðóng cặp với Tô Tuấn Dũng, nghệ sĩ Diễm Hương vào vai Lâm Ðại Ngọc đã thể hiện được phần nào một tính cách tương đồng trong vẻ ngoài mảnh mai, yếu đuối. Tình yêu của đôi trai gái tài sắc ấy cuối cùng vẫn bị những thành trì định kiến vùi dập và chỉ có cái chết mới giúp họ đến được với nhau. Ðạo diễn Chua Soo Pong có một kết cuối vở diễn mang đầy tính biểu tượng khi để Giả Bảo Ngọc bị gia tộc nhốt vào chiếc lồng son tượng trưng cho những ràng buộc lễ giáo phong kiến nghiệt ngã, song cuối cùng chàng đã vượt khỏi chiếc lồng kiềm giữ, cùng Lâm Ðại Ngọc hóa thành đôi bướm trắng bay lượn giữa bầu trời. Tình yêu và cái chết của đôi trai gái đã báo trước một chân trời tự do mới đang lấp ló phía xa cùng sự suy tàn và sụp đổ không thể tránh của xã hội phong kiến Trung Quốc thế kỷ thứ 18.

Với vở Hồng lâu mộng, đạo diễn Chua Soo Pong mang đến cho sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam một luồng gió mới với lối dàn dựng hiện đại, phóng khoáng, gần gũi với cuộc sống mà vẫn bảo đảm được sự chỉn chu, kỹ lưỡng, tính toán đến từng chi tiết, từng hành động diễn xuất. Hy vọng cùng loạt vở diễn kinh điển như: Lão hà tiện, Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Kiều... Hồng lâu mộng sẽ thu hút công chúng đến với sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam.

 

Theo TIẾN CƯỜNG/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm