Thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ như thủy đậu, sởi, ho gà... Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân này không lây lan thành dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh các cơ sở y tế phải quan tâm tới vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.
Ảnh: VGP/Thúy Hà
Ngày 4/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc bệnh thủy đậu hàng năm đều ở mức cao, quy mô lớn gần như khắp cả nước. Trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca mắc, tăng gần một nửa so với năm 2016. Số mắc bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1, đạt đỉnh vào tháng 3 khoảng 8.000 ca mắc, trung bình các tháng dưới 3.000 ca.
“Hiện vaccine phòng bệnh thủy đậu mới có trong tiêm dịch vụ, chưa có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Số mắc tương đối lớn tuy nhiên bệnh diễn biến không nặng vì vậy độ bao phủ vaccine không cao”, ông Trần Đắc Phu cho biết.
Riêng tại TP HCM, số ca mắc thủy đậu cũng tăng 46%. Vì vậy, TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh thủy đậu, ngoài 10 loại vaccine bắt buộc trong tiêm chủng mở rộng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, với bệnh thủy đậu, tiêm vaccine là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay.
Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vaccine là giúp trẻ ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần.
Theo các chuyên gia, bệnh thủy đậu trên người khỏe mạnh, thường lành tính và ít để lại di chứng. Ở trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai do khả năng bảo vệ suy giảm nên có thể dẫn đến nhiều biến chứng, đặc biệt khi mang thai ở tuần 13 - 20. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 30%.
Đối với bệnh sởi và ho gà, ông Trần Đắc Phu cho biết, trong năm 2017, bệnh sởi chủ yếu ghi nhận ở miền Bắc và một số tỉnh miền Nam với 141 ca mắc, riêng Hà Nội ghi nhận tới 83 ca, trong đó có 1 ca tử vong, 71/83 ca chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, 23 trường hợp chưa đến tuổi tiêm.
Đặc biệt, bệnh ho gà ở nước ta diễn biến khó lường. Năm 2017, cả nước ghi nhận 353 trường hợp dương tính, 3 ca tử vong. Các ca mắc bệnh chủ yếu ghi nhận ở miền Bắc. Điều đáng nói, số ca mắc bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi – chưa đến độ tuổi tiêm chủng, chiếm gần 40% (133 trường hợp).
Tại Hà Nội, ghi nhận 125 ca mắc bệnh ho gà, trong đó có 114 ca chưa được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vaccine phòng bệnh ho gà, 46 trường hợp là trẻ dưới 2 tháng tuổi mắc bệnh.
Trước diễn biến dịch bệnh như trên, cùng nhận định về thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh phát triển, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ sở y tế phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn chéo nhất là trong hồi sức cấp cứu, tránh gây biến chứng cho trẻ.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ tử vong ở khu vực này chiếm tới 30%, vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, các bệnh viện cần phải đặc biệt lưu ý hệ thống tiệt trùng, hạn chế người ra vào và kiểm soát việc rửa tay bằng xà phòng của nhân viên y tế…
“Đề nghị các cơ sở y tế không cho nhập viện các trường hợp cúm, viêm đường hô hấp thông thường…, các bệnh này chỉ cần điều trị ban ngày. Nếu bắt các cháu phải nhập viện vừa gây quá tải, vừa làm khổ các cháu nếu bị nhiễm khuẩn chéo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thúy Hà/nhandan.com.vn