Cập nhật: 09/01/2018 14:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để dự phòng được các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, suy thận…), các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên ăn mặn. Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng đã đề ra mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối của mỗi người vào năm 2025.

Theo thống kê, hiện nay trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,5 gam muối/một ngày. Số lượng muối này cao gần gấp hai lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đáng chú ý, nguồn muối sử dụng ở Việt Nam cũng khác với các nước phát triển. Ở các nước phát triển, muối chủ yếu đến từ các thực phẩm chế biến sẵn, còn ở Việt Nam lại chỉ có 20% lượng muối ăn là từ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhà hàng, còn lại là muối được sử dụng trong bữa ăn gia đình.

Ăn mặn thường xuyên sẽ làm loét dạ dày, tá tràng, suy thận, tăng huyết áp và dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ. Ăn mặn đang là một trong những lý do chính làm tăng nhanh số lượng người bệnh tăng huyết áp (khảo sát năm 2015 là hơn 47% số người trưởng thành, gần gấp hai lần so với khảo sát tương tự thực hiện năm 2008). Do ăn quá nhiều muối cho nên phần lớn người dân có huyết áp cao hơn 115/70mmHg, đây là yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ăn nhiều muối cũng sẽ làm tăng lượng can-xi bị thải hồi, vì thế mà những người ăn mặn rất dễ bị loãng xương và nguy cơ gãy xương cao hơn những người có chế độ ăn nhạt. Người ăn mặn khiến tuần hoàn máu tăng đến cầu thận buộc thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận…

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm đang tăng nhanh ở nước ta từ 42,6% năm 1976, tăng lên 71,6% năm 2010. Ngoài việc ăn mặn thì các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, ăn ít rau, trái cây và thừa cân béo phì cũng làm gia tăng bệnh không lây nhiễm. Điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam cho thấy, gần 60% số người dân ăn quá ít rau, trái cây; gần 44% số người trưởng thành có uống rượu, bia; 22,5% số người trưởng thành có hút thuốc, thiếu các hoạt động thể lực...; có gần 13% số người Việt Nam (từ 18 đến 69 tuổi) có dưới ba yếu tố nguy cơ; gần 8% có trên ba yếu tố nguy cơ. Riêng ở nhóm từ 45 đến 69 tuổi thì có 21% số người có trên ba yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…).

Các biện pháp dự phòng bệnh không lây nhiễm được chỉ rõ là: giảm tiêu thụ muối, kiểm soát cân nặng, sử dụng lượng chất béo, chất đạm vừa đủ, giảm tiêu thụ đường tinh chế, tăng sử dụng rau quả, uống đủ nước, hoạt động thể lực phù hợp. Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm đã đề ra mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối của mỗi người vào năm 2025, tức là lượng muối ăn của trung bình mỗi người dân giảm còn 6,6 gam.

Để góp phần thực hiện được mục tiêu đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa bắt đầu thực hiện chiến dịch truyền thông các biện pháp dự phòng để giảm bệnh không lây nhiễm, trong đó các căn bệnh không lây nhiễm mà nguyên nhân chính liên quan đến ăn uống là đái tháo đường, tim mạch và ung thư. Theo PGS, TS Lê Bạch Mai (Viện Dinh dưỡng quốc gia), mức lý tưởng là mỗi người chỉ nên ăn dưới 5gam muối/ngày. Để đạt mục tiêu này là cả một quá trình vì phần lớn người Việt Nam thích ăn mặn, cho nên các biện pháp thực hành ăn giảm muối là cho ít muối vào món ăn; khi chấm nên chấm nhẹ tay; thường xuyên ăn các thực phẩm hấp, luộc, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và giảm các món rim, kho, rang trong bữa ăn. PGS, TS Lê Bạch Mai phân tích, người Việt Nam có thói quen “đói mới ăn, khát mới uống và ốm mới đi chữa bệnh”, nếu khi ốm mới đi chữa thì chất lượng cuộc sống và thời gian sống đều giảm thấp. Do vậy, cần thay đổi thói quen, thực hiện phòng bệnh từ cấp độ 0- không cho yếu tố nguy cơ xảy ra và dự phòng thay đổi hành vi nguy cơ, thay vì mắc bệnh mới chữa.

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trương Tuyết Mai cho rằng: Chúng tôi rất mong muốn có quy định ghi rõ trên nhãn sản phẩm về lượng muối trong thực phẩm. Tuy nhiên, lộ trình ban hành quy định này chắc cũng tương đối dài vì chúng ta còn phải xem xét tất cả những quy định và thông tư khác có liên quan việc ghi nhãn thực phẩm. Do vậy, giải pháp can thiệp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng.

 

Theo MINH HOÀNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm