Cập nhật: 10/01/2018 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Tổng cục Du lịch, thời gian gần đây có không ít cơ sở lưu trú sau khi được xếp hạng đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng dịch vụ. Gần đây, Tổng cục Du lịch đã thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 17 khách sạn, trong đó có năm khách sạn bốn sao, 12 khách sạn ba sao.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch xây dựng Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam. Theo đó, tiếp tục áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch; tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi, phát động phong trào ứng xử văn minh trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác để kiểm soát chất lượng dịch vụ, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở lưu trú du lịch.

Tuy nhiên, trong các đối tượng được chú trọng quản lý, giám sát, đã thiếu vắng một loại hình đang nở rộ tại các thành phố lớn, nhất là tại các thành phố du lịch - loại hình homestay lưu trú tại nhà của người dân bản địa. Loại hình này cũng cần được quản lý chặt chẽ ngay từ khâu thẩm định cấp phép cũng như khâu hậu kiểm. Mặc dù yêu cầu các cấp, các ngành phải thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức công vụ, thực hiện việc thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, nhưng Tổng cục Du lịch chưa thật sự sát sao với những hộ gia đình kinh doanh hình thức homestay.

Chỉ tính riêng TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã có hàng trăm homestay, tương ứng với hàng nghìn phòng lưu trú, chiếm đến 1/4 cơ sở lưu trú hiện có tại thành phố này. Không thể phủ nhận loại hình mới này đã mang lại sức hút mới cho du lịch Đà Lạt với kiến trúc độc đáo, không gian lưu trú có sắc màu văn hóa, phục vụ thân thiện, tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện có không nhiều homestay thực hiện đúng quy định đối với loại hình kinh doanh lưu trú, nhất là việc bảo đảm an toàn cho du khách.

Nhiều homestay chưa được cấp phép nhưng đã hoạt động. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 136 trong số 250 cơ sở với 1.667 phòng chưa đăng ký thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt. Điều này có nghĩa là một nửa số homestay ở Đà Lạt hiện nay chưa đạt chuẩn, được nâng cấp sơ sài từ nhà ở của người dân, thiếu thiết bị vật chất, tiện nghi rất hạn chế, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tăng nhanh về số lượng mà không được quản lý kịp thời đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp giá lưu trú chỉ vài ba chục nghìn đồng/khách/đêm.

Kinh doanh là quyền tự do của người dân, được Nhà nước bảo hộ, nhưng hướng dẫn người dân kinh doanh theo pháp luật như thế nào lại là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, trong đó, có nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát, quản lý, chấn chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Chủ một homestay cho biết, do thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, đồng nhất cho nên việc làm thủ tục rất khó khăn. Thời gian làm thủ tục cho homestay đúng quy chuẩn kéo dài tới vài tháng, vừa tốn kém chi phí vật chất, vừa lãng phí thời gian, vừa tạo cảm giác ức chế, mệt mỏi. Để phát triển homestay, cơ quan chức năng tại các địa phương có khách du lịch nên có một hướng dẫn cụ thể đầy đủ các thủ tục, tuyên truyền rộng rãi và đặt ở nơi làm thủ tục hành chính, để các cá nhân muốn kinh doanh loại hình này có thể dễ dàng nắm bắt và thực hiện.

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm