Miền bắc đang phải hứng chịu những đợt rét đậm liên tiếp. Diễn biến thời tiết những ngày qua đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân, nhất là đối với sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện E. Ảnh: HẢI NAM
Người già đột quỵ, trẻ em đổ bệnh
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), do thời tiết rét đậm kéo dài, những ngày gần đây, Khoa Cấp cứu A9 của BV thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ.
Tại BV Bạch Mai, Viện Tim mạch Quốc gia, BV Lão khoa T.Ư, số người có tuổi mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh về hô hấp phải nhập viện cũng nhiều hơn. Còn tại BV Tim Hà Nội cơ sở 2 (đường Võ Chí Công, Hà Nội) trong vòng ba ngày qua, số bệnh nhân nhập viện liên quan bệnh lý tim mạch gia tăng nhanh; BV phải tiếp nhận 1.000 - 1.200 bệnh nhân. Trong đó, đối tượng là người cao tuổi chiếm phần lớn và hầu hết đổ bệnh do thời tiết giá lạnh. Trung bình mỗi ngày khoảng 10 - 20 bệnh nhân nhập viện, tăng 10% so trước đó.
Tương tự, trong những ngày rét kéo dài, BV E cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đột quỵ. Không ít trường hợp do đưa đến BV muộn, bệnh nhân không áp dụng được phương pháp điều trị hữu hiệu, bệnh tình trở nên nguy kịch.
Tại BV Nhi T.Ư, số bệnh nhi tới khám bệnh những ngày qua rất đông; nhiều phòng bệnh xuất hiện tình trạng quá tải. Số trẻ đổ bệnh do thời tiết giá rét chiếm phần lớn, tập trung vào các bệnh về viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư, hiện BV tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 2.000 trẻ/ngày nhưng nếu thời tiết tiếp tục rét đậm trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám chắc chắn sẽ còn tăng mạnh.
Trong khi đó, tại khoa Nhi của BV Bạch Mai và BV Saint Paul (Hà Nội), số trẻ phải nhập viện do các bệnh liên quan tới giá rét cũng bắt đầu có chiều hướng gia tăng, khoảng 10% so với trước.
Không chủ quan, lơ là
Một số chuyên gia y tế cảnh báo trẻ em là đối tượng nhạy cảm, dễ đổ bệnh nhất khi xảy ra rét đậm, rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Để hạn chế việc trẻ nhiễm các bệnh trong những ngày rét đậm, rét hại, các bậc cha mẹ không được chủ quan, lơ là mà cần giữ ấm cho trẻ, có chế độ ăn uống phù hợp, nhiều chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, đồng thời giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ. Trong đó, chú ý cách mặc ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.
Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng khiến cho trẻ dễ bị mắc các bệnh như sởi, tiêu chảy do rota virus, sốt virus. Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển, trong đó điển hình là virus hợp bào hô hấp (RSV). Khi bị nhiễm virus RSV, trẻ chỉ biểu hiện cảm, ho thông thường cho nên nhiều phụ huynh thường chủ quan, điều trị bằng cách tự mua thuốc khiến virus không được điều trị dứt điểm, vô tình trở thành mầm bệnh trung gian, lây sang trẻ lành. Ngoài ra, thời tiết lạnh kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em, dị ứng đường hô hấp, viêm mũi xoang và đặc biệt là bệnh hen suyễn.
Các bác sĩ khuyến nghị phụ huynh đưa trẻ đến BV ngay nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, không được tự mua thuốc cho trẻ uống. Tiêm ngừa vaccine phế cầu cũng giúp giảm được khoảng 50% nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cảnh báo, sai lầm mà phụ huynh thường gặp khi chăm sóc trẻ trong thời tiết lạnh là lạm dụng xoa tinh dầu cho trẻ, bởi da của trẻ em mỏng nên rất dễ bị phồng rộp, thậm chí là gây bỏng cho trẻ. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng tinh dầu cho trẻ sơ sinh bởi tinh dầu có thể gây ngộ độc.
Đối với người cao tuổi, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày giá lạnh, nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh nhiễm lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng. Những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. Duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, hạn chế đường, muối, vận động thường xuyên 30 - 60 phút mỗi ngày.
Theo PGS, TS Mai Duy Tôn, Khoa A9, BV Bạch Mai, trời lạnh dễ gây ra tình trạng tăng huyết áp, co mạch, máu dễ bị đông gây tắc nghẽn, hoặc trời lạnh cơ thể dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng. Do vậy, những người có bệnh trước đó dễ bị đột quỵ. Bác sĩ Tôn khuyến cáo, khi bị đột quỵ tại nhà, người nhà nên nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng, nửa ngày hoặc vài ngày mới đưa đi cấp cứu làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ.
Theo THANH HUYỀN /nhandan.com.vn