Đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp vẫn đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm của các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Việc đốt ngoài trời không chỉ gây ô nhiễm không khí, gia tăng nhiệt độ cục bộ, mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, tồn tại bền vững trong môi trường.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho biết: Hiện nay, các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt tình trạng đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp. Điển hình như TP Hà Nội, trung bình mỗi năm phát sinh hơn một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng đốt bỏ ngoài cánh đồng khoảng hơn 350 nghìn tấn. Người dân chưa ý thức được việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng sẽ gây tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Vì khi đốt ngoài đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt, ngày càng khô cằn.
PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Quá trình đốt hở (hoạt động đốt cháy vật liệu trong không khí, nhưng không có phương pháp kiểm soát quy trình và các thông số như thời gian, nhiệt lượng và các khí thải), không thể kiểm soát chất phát tán gây ô nhiễm. Khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây mùi và ảnh hưởng đến tầm nhìn, nhất là trên đường giao thông. Nghiêm trọng hơn, khí thải phát ra như CO2, cùng các chất độc khác còn góp phần gây biến đổi khí hậu; ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Đồng quan điểm nêu trên, Ths Nguyễn Trung Thuận (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Các hoạt động đốt hở có thể là nguyên nhân hình thành khu vực ô nhiễm tồn lưu đi-ô-xin. Đây được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư, giảm khả năng sinh sản, phá hủy hệ miễn dịch, tổn thương gen đối với người dân sinh sống tại khu vực này…
Việc tìm kiếm các phương pháp tận dụng rác sinh khối một cách an toàn, thân thiện với môi trường đang là yêu cầu bức thiết, nhằm làm giảm khối lượng rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp phải đem đốt với khối lượng lớn như ở nước ta hiện nay. TS Đào Đức Liêm (Trung tâm Phát triển nông nghiệp bền vững (SR) - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: để từng bước giảm các hoạt động đốt ngoài trời như hiện nay, trước mắt các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực sử dụng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp để tái sản xuất. Thí dụ như sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ rơm, xơ dừa, bẹ ngô; sản xuất vật liệu xây dựng, ván ép từ mùn cưa, gỗ, rơm; làm thức ăn chăn nuôi từ rơm rạ, thân ngô, rau xanh; làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; bể bi-ô-ga để lấy nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngành nông nghiệp nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng được tiêu chí dễ áp dụng, kỹ thuật phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là chi phí hợp lý, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất và người sử dụng...
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường năng lực đánh giá, quản lý rủi ro, xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy (POP) và các khu vực ô nhiễm, nhất là từ các hoạt động đốt hở không kiểm soát. Xây dựng, bổ sung, tăng cường hiệu quả quy định, chính sách, thể chế nhằm kiểm soát, giảm phát thải từ các hoạt động kinh tế - xã hội hướng tới đáp ứng các yêu cầu của Công ước Xtốc-khôm về các chất POP mà Việt Nam là một thành viên tham gia góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, sự phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Theo KHÁNH HUY/nhandan.com.vn