Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. UBND các tỉnh, thành phố đang tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ trong dịp Tết.
Lực lượng chức năng lấy mẫu giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: GIA HÂN
Lào Cai có hơn 180 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, trong đó có một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ, lối mở truyền thống trên sông, trên đất liền. Ðây là điều kiện thuận lợi cho đối tượng buôn lậu nhập các loại thực phẩm vào Việt Nam. Chi cục trưởng Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai Nguyễn Bá Bình cho biết: Dịp Tết Nguyên đán, tâm điểm của tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Lào Cai chủ yếu tập trung vào các khu vực như: Duyên Hải, Cầu Sập, khu Ðền Thượng (TP Lào Cai); Pạc Bo, Na Lốc... (huyện Mường Khương). Từ đây, hàng lậu được phát tán, xé lẻ, vận chuyển bằng các phương tiện: xe ôm, xe thồ, xách tay, cất giấu trên xe ô-tô, vận chuyển trên tàu khách... để đưa về các địa phương tiêu thụ.
Hiện trên toàn tuyến biên giới, lực lượng Hải quan và Bộ đội Biên phòng đã bố trí chốt chặt 24 giờ hằng ngày ở các lối mở, nơi các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển hàng lậu qua khu vực dọc sông Hồng, sông Nậm Thi hoặc mang vác bằng đường bộ. Lực lượng tăng cường tuần tra, phối hợp kiểm soát, nắm chắc địa bàn trọng điểm, nhất là nơi tập kết hàng hóa tại khu vực biên giới, nắm bắt các đối tượng cầm đầu, đối tượng vận chuyển hàng lậu; tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân, người dân không tiếp tay, không tham gia buôn lậu, không vận chuyển hàng hóa trái phép; không sử dụng hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc… Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai và các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh để phục vụ công tác phòng, chống ngăn chặn thực phẩm bẩn, nhất là các loại thực phẩm được tiêu thụ với khối lượng lớn trong dịp Tết.
Cùng với chuẩn bị lượng thực phẩm dồi dào phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết, các lực lượng chức năng của TP Hồ Chí Minh đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị cung ứng hàng hóa, nhất là thực phẩm phục vụ Tết trị giá hơn 17,8 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là hơn 7.000 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với năm 2017). Thành phố đã thiết lập được hơn mười nghìn điểm bán hàng bình ổn thị trường, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, dầu ăn… Ðể giúp người dân có sự lựa chọn đa dạng nhưng phải bảo đảm ATTP, TP Hồ Chí Minh sẽ mở Hội chợ Xanh 2018, với gần 100 gian hàng của 53 đơn vị đã được chứng nhận "Chuỗi thực phẩm an toàn". Saigon Co.op cũng chủ động đầu tư một phòng thí nghiệm tại trung tâm phân phối của mình ở Bình Dương và xe kiểm nghiệm lưu động chuyên nghiệp có thể kiểm tra chất lượng hàng hóa tận nguồn trước khi chuyển về kho tập trung để đưa ra thị trường tiêu thụ...
Tại TP Hà Nội, các cơ quan chức năng dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng khoảng 15% so với bình thường. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà sản xuất trên địa bàn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, còn một số mặt hàng khác như gạo mới đáp ứng đủ 35%; thịt bò 15%, thủy hải sản 5%; thực phẩm chế biến 25%; rau, củ 65%, trái cây an toàn, truy xuất nguồn gốc mới đáp ứng được 30% nhu cầu… số còn lại được nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận. Nguy cơ mất ATTP là khá cao, nếu không được kiểm soát tốt. Chi Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Trần Ngọc Tụ cho biết: Ðể bảo đảm ATTP phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh siêu thị. Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý đúng quy định pháp luật; tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP lưu thông trên thị trường… Tại quận Thanh Xuân, từ đầu tháng 1-2018 đến nay, các đoàn thanh tra đã kiểm tra 248 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó phát hiện và xử lý 12 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt là 30 triệu đồng…
Đối với mặt hàng thực phẩm được nhập từ các địa phương khác, UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với các địa phương trong việc quản lý, bảo đảm ATTP theo chuỗi cung ứng, tiêu thụ. Ðồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, siêu thị, chợ cóc, nhất là thị trường khu vực nông thôn; thành lập điểm chốt để kiểm soát nguồn thực phẩm từ nơi khác đưa về Hà Nội. Dịp này, TP Hà Nội sẽ triển khai xe lưu động tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm rau, củ, quả, thịt để kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm ở các chợ, siêu thị, các điểm chốt vào thành phố…
Ðiểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất, là các đoàn thanh kiểm tra của T.Ư chủ yếu đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của T.Ư chứ không làm thay địa phương. Do vậy, địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ để có hình thức xử lý kịp thời.
Ðối với các mẫu cần kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm, cần ưu tiên làm sớm và trả kết quả nhanh, để cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết, song ra Tết mới công bố kết quả.
Nguyễn Thanh Phong
Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế)
Theo ANH LIÊM và HỒNG TUYẾN
nhandan.com.vn