Cập nhật: 22/01/2018 10:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người dân ở ven biển Gò Sạn, nay là thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đang lo lắng trước tình trạng nước biển ngày càng dâng cao và xâm thực sâu vào đất liền, sóng biển đánh ập vào bờ gây sạt lở gần 2 km, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Hai mươi năm qua, đã có nhiều căn nhà bị cuốn đi, người dân liên tục kiến nghị lên xã, huyện, tỉnh để sớm xây dựng kè chắn sóng, giúp bà con an tâm ổn định đời sống, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 

Sóng biển đánh sập những bức tường chắn sóng do người dân tự dựng.

Khu dân cư Gò Sạn hình thành vào năm 1997. Anh Trần Văn Biết, sinh năm 1973 kể, thời điểm đó, anh và hơn chục thanh niên khác trong làng đã lập gia đình nhưng không có đất ở lập nghiệp, nên rủ nhau đi khai hoang vùng đất có tục danh Gò Sạn, đoạn ven biển thuộc thôn Khánh Nhơn 1 để dựng nhà ở, đồng thời thuận tiện cho việc đi câu, giăng lưới đánh bắt hải sản gần bờ mưu sinh. Dần dần, nhiều người trong làng rủ nhau đến dựng nhà ở, khu dân cư ngày càng nhộn nhịp hơn.

Nhiều người cho biết, ngày đó, sau khi khảo sát và bằng kinh nghiệm bao đời sống gần biển, họ đã tính toán và bàn bạc rất kỹ về việc làm thế nào để tránh bị thiệt hại về người và tài sản khi xuất hiện mưa bão vào mùa gió bấc hằng năm (từ tháng 9 đến tháng Chạp Âm lịch). Vì thời điểm này, biển động dữ dội, tạo nên hàng nghìn ngọn sóng dâng cao từ ngoài khơi xa rồi cuốn theo chiều gió, nối tiếp nhau đánh ập rất mạnh vào bờ, cho nên người dân thống nhất dựng nhà nằm trên gò cao khoảng 10m so với bờ biển; cách xa bờ biển khoảng 100m và xa mực nước biển gần bờ nhất khoảng 200m.

Một ngư dân tại đây cho biết: “Thời điểm đó, dọc bờ biển có rừng dương cao, ken dày hàng chục mét như bức tường, rất vững sau mỗi lần hứng chịu mưa bão vào mùa gió bấc thổi mạnh vào bờ. Thế mà giờ đây, nước biển đã cuốn phăng cả rừng dương và nhiều căn nhà, gây sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 2 km. Nếu địa phương không sớm xây dựng kè chắn sóng ở đoạn này, chỉ vài năm nữa, nhà ở, tài sản của cả khu dân cư nơi đây sẽ bị lôi hết xuống biển; sóng biển tiếp tục gây sạt lở và xâm thực mặn sẽ lan ra cả vùng. Khi đất bị nhiễm mặn, không sản xuất hoa màu được, chúng tôi chỉ còn cách bỏ đi nơi khác”.

Qua bức xúc của người dân, ngày 17-1, chúng tôi đã đến và tận mắt chứng kiến cảnh nhiều căn nhà ở của bà con nơi đây bị sóng biển đánh sập, cuốn phăng xuống biển. Khoảng cách hàng trăm mét trước đây giữa bờ biển và khu dân cư thôn Khánh Nhơn 1 giờ chỉ cách vài bước chân với ngổn ngang đất, đá của một dãy nhà gần bờ nhất đã bị đánh sập mấy năm trước; xâm thực mặn hầu như đã lấn sát dãy nhà tiếp theo. Nhiều gia đình chỉ còn lại nửa căn nhà, nhưng đành bất chấp nguy hiểm để lưu trú mỗi ngày, vì không còn cách nào khác.

Bà Hồ Thị Bích, 70 tuổi, nói: “Trước đây, mặt tiền nhà tôi quay ra hướng biển nhưng cách xa biển lắm, nhưng nhiều năm nước biển xâm thực đất cứ bị lấn dần, năm 2016, căn nhà hơn 100 m2 của tôi bị sóng biển cuốn phăng, giờ nền đất nhà cũ đã trống hoác, khi thủy triều rút, trở thành chỗ tập kết hàng chục chiếc thúng chai của một số người hành nghề câu mực ban đêm. Thấy tôi mất nhà ở, người đã từng mua phần đất phía sau nhà tôi để làm trại tôm đã chừa lại ít đất cho dựng tạm cái chòi rộng 30 m2 để ở, đời sống rất khó khăn”.

 

Trong khi chờ Nhà nước xây kè chắn sóng, người dân vẫn phải bám trụ trong những ngôi nhà bị sóng biển đánh sập để tiếp tục mưu sinh.

Cạnh đó, căn nhà của bà Lê Thị Phúc hai năm qua cũng bị sóng biển đánh sập, vợ chồng bà Phúc đã bỏ ra mấy chục triệu đồng mua đá núi về xây tường chắn sóng nhằm bảo vệ phần đất hiếm hoi còn lại, nhưng trong các đợt biển động từ tháng 11-2017 đến nay, bức tường đá đã bị sóng đánh sập và lôi tuột xuống biển gần hết. Cứ mỗi lần thấy sóng đánh ập vào, bà Phúc lại ào xuống như ngụp lặn giữa những đợt sóng để dành lại những hòn đá đang bị sóng lôi xuống biển.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Trần Đồng Linh cho biết, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, nhưng cấp trên thông báo là chưa có kinh phí đầu tư. Vào mùa gió bấc cách đây ba năm, có bảy hộ bị sóng biển cuốn trôi cả nhà cửa. Thời điểm đó, xã kiến nghị lên huyện và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn có cấp cho bà con 500 bao để dồn cát tạo tường chắn sóng tạm thời, nhưng bị sóng biển cuốn đi hết. Giờ có hơn 20 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng xã chỉ còn cách động viên bà con tìm chỗ di dời để tránh thiệt hại. Mấy năm trước, có thông tin Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng kè theo dự án “Nước biển dâng” và người dân mỏi mòn chờ đợi cho đến nay.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận cần sớm đầu tư xây dựng kè chắn sóng tại bờ biển thuộc hai thôn Khánh Nhơn 1 và Khánh Nhơn 2 để bảo đảm an toàn và giúp ổn định đời sống cho hàng chục hộ dân bị thiệt hại nặng nề do xâm thực mặn và đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển đe dọa đến tính mạng cũng như tài sản.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm