Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Trong đó, du lịch tâm linh đang là thế mạnh thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Vĩnh Phúc để hành hương, chiêm bái.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vĩnh Phúc có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, chùa Hà Tiên…Đây đều là những địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến hành hương và chiêm bái.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, những năm qua, phát huy lợi thế của các địa phương, huy động nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, danh thắng trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan thập phương. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống tại các khu di tích lịch sử, đền, chùa cũng đã và đang được khôi phục, góp phần đa dạng hóa hình thức dịch vụ mà du khách có thể trải nghiệm. Chính vì vậy, phát triển du lịch tâm linh không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời quảng bá những nét văn hóa dân gian đặc sắc của tỉnh ta đến đông đảo du khách cả nước.
ST