Sinh sống lâu đời trên vùng đất Hà Giang, dân tộc La Chí hình thành và lưu giữ một nền văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc, trong đó tết Khu Cù Tê là một biểu trưng văn hóa phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào.
Điệu trống, chiêng thể hiện sự vui mừng phấn khởi của dân bản sau một năm trồng trọt chăn nuôi, mùa màng bội thu và bày tỏ sự tôn kính tổ tiên đã phù hộ dân bản khỏe mạnh, ấm no.
Trong một số hoạt động giới thiệu văn hóa gần đây diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với sự tham gia của đồng bào La Chí, công chúng đã được cảm nhận nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống trên nhiều vùng miền đất nước, trong đó tết Khu Cù Tê là một điểm nhấn văn hóa.
Tết Khu Cù Tê của người La Chí có lịch sử lâu đời, là dịp để người đã khuất trong dòng tộc về nhà, về với dòng tộc của mình, đây cũng là dịp người La Chí ở khắp nơi về sum họp, tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, qua đó góp phần duy trì và củng cố gắn kết mối quan hệ cộng đồng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, tết Khu Cù Tê của người La Chí đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phần hội luôn thu hút đông đảo đồng bào tham gia.
Theo truyền thống tết Khu Cù Tê tổ chức vào tháng 7 âm lịch dịp nông nhàn, việc tổ chức tuân thủ lề luật chung của cộng đồng. Đầu tiên là việc bầu ra người chủ trì lễ cúng của cộng đồng La Chí, người này được gọi là Mổ Cóc, người được đề cử phải là người đã lập gia đình và đã có con, gia đình hạnh phúc không vi phạm luật lệ của cộng đồng làng bản, có uy tín với cộng đồng, trong nhà không có người ốm yếu, hội đồng các vị trưởng tộc sẽ lấy chân gà khô để xem. Nếu chân gà tốt thì người đó mới được làm còn không phải chọn người khác, những người phụ giúp cho Mổ Cóc gọi là So Vé.
Người La Chí chỉ thờ cúng những người đã mất từ 3 đời trở lại tại nhà của trưởng tộc của các dòng họ. Để tổ chức Tết, các gia đình khi đi mang theo một chai rượu, một gói xôi, một miếng thịt, mặc quần áo truyền thống dân tộc, những người được trưởng tộc chỉ định sẽ ngồi xung quanh một cái mâm gỗ có các giỏ đựng xôi, thịt, họ giúp trưởng tộc gọi những người đã khuất về ăn Tết.
ST