Cập nhật: 28/01/2018 14:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để có được mùa Xuân hôm nay của đất nước, biết bao thế hệ đã không tiếc tuổi trẻ, bất chấp hiểm nguy lao vào mưa bom bão đạn.

"Lựu đạn nổ tấn công ác lắm. Đường rảnh nó sâu, tháo sợi dây thun nó khó. Tôi mới quay qua nói với chị Sáu: Chị Sáu ơi mở dây thun ra cho em. Vừa dứt lời xong thì tay súng chị ấy buông, và một câu thốt lên duy nhất: “Hồ Chí Minh muôn năm”, chị ấy đã qua đời. Đôi mắt vẫn nhìn trừng trừng về phía trước”.

Đó là những dòng ký ức vẫn hằn sâu trong tâm trí người nữ biệt động thành Lê Hồng Quân, tên thật là Nguyễn Thị Huyền Nga, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng về trận đánh cuối cùng của Tiểu đoàn diễn ra trong con hẻm 83 Đề Thám lịch sử, trong đợt tấn công lần 2 của cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

Bà Vũ Chính Nghĩa (thứ 3 từ trái qua) và bà Lê Hồng Quân (Thứ 4 từ trái qua)

nhận hoa từ các nguyên lãnh đạo và hội phụ nữ.

Cuộc giằng co trong con hẻm rộng chưa đầy một mét đã trở thành cuộc tử chiến khốc liệt khi địch liên tục tăng quân áp đảo.

Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân quyết định lệnh cho anh em vượt vòng vây của giặc rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. Chỉ còn 3 người tình nguyện ở lại để hút hỏa lực, đánh lạc hướng địch.

Lúc ấy, bà Quân bị thương nát một cánh tay, bà tự mình cắt lìa cánh tay bị thương, băng bó qua loa rồi tiếp tục chiến đấu.

Chỉ đến khi hết đạn và đuối sức vì mất máu, bà Quân mới chịu rơi vào tay giặc.

Thế nhưng, dù bọn địch đã tra tấn bà hết sức dã man, tàn khốc thì người nữ chỉ huy ngoan cường ấy sẵn sàng đối diện với cái chết chứ nhất định không khai lấy nửa lời trong ròng rã suốt 7 năm trời…

May mắn sống sót trở về sau ngày đất nước thống nhất, bà phải chiến đấu với những vết thương trên cơ thể từ những trận đòn thù.

Mặc dù xếp hạng thương binh 1/4, nhưng bà vẫn đi khắp mọi nơi để thăm hỏi, chăm lo cho gia đình đồng đội thời hậu chiến và chăm lo cho người mẹ già, mẹ Việt Nam Anh hùng có 3 người con là liệt sĩ.

Cũng kiên định, một lòng trung thành, quyết tâm chiến đấu không phân biệt nam nữ, không ngại khó ngại khổ, bà Vũ Minh Nghĩa, bí danh Chính Nghĩa - người nữ duy nhất trong 15 người đánh vào Dinh Độc lập trong Tết Mậu Thân 1968 nhớ lại trận đánh mùng 2 Tết 1968.

Mặc dù khi nhận lệnh đánh vào Dinh Độc Lập, cả đội rất bất ngờ, vì tương quan lực lượng ta ít hơn địch rất nhiều.

Sau trận chiến đấu đó, đơn vị đã hy sinh đến một nửa quân số và bị lộ nên không được tiếp viện, bị rơi vào tay giặc. Thế nhưng, dù rất lo lắng và là nữ duy nhất, nhưng lòng bà vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Nghĩa kể: “Chúng tôi rất vinh dự được Đảng, Nhà nước tin cậy giao cho điểm đánh rất quan trọng trong thành phố. Chúng tôi bắt tay nhau, thề với nhau chiến đấu đến viên đạn cuối cùng".

Không chỉ là những biệt động Sài Gòn như bà Quân, bà Nghĩa, hay nữ quân nhân được huấn luyện, trui rèn trong bom đạn, chiến đấu giáp mặt kẻ thù, mà các thế hệ phụ nữ Sài Gòn – Gia Định, những chị em ở miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ không trực tiếp cầm súng, nhưng đều một lòng hướng về cách mạng, đóng góp nhiều cho cuộc chiến mùa xuân Mậu Thân năm ấy.

Đó là hình ảnh các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ chuẩn bị lương thực cho các chiến sĩ ra tiền tuyến, cả những chị em ở nhà may cờ mặt trận để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân.

Đó là những nữ thanh niên xung phong kê người làm trụ cầu cho đồng đội cáng thương đi qua hay vác pháo phục vụ các trận đánh vào mục tiêu đầu não của địch ở nội đô Sài Gòn.

Rồi nữ dân công hỏa tuyến tìm cách vận chuyển vũ khí theo những kênh mương chằng chịt qua cánh đồng mênh mông về "ém" ở ven đô Sài Gòn chuẩn bị cho chiến dịch.

Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn đã trở thành huyền thoại. Nhiều người mới chỉ 15, 17 tuổi, độ tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời.

Tất cả tham gia với mong muốn hỗ trợ để quân ta hoàn thành sứ mệnh tổng tiến công, sớm thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối.

Như bà Nguyễn Thị Khỏi, đoàn dân công hỏa tuyến ở Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, một trong số nữ dân công hỏa tuyến sống sót trong lần vận chuyển vũ khí qua một đìa dứa, bị đích phát hiện và ném bom dữ dội, cướp đi sinh mạng 32 người con ngoan cường của đất lửa Vĩnh Lộc.

Thời đó, cùng những cô gái ở độ tuổi trăng tròn, bỏ qua bao lời khuyến dụ, mua chuộc và cả dọa nạt của địch, sẵn sàng đi tải đạn, vác pháo phục vụ cách mạng.

Bà Khỏi kể, ba mẹ, các chú của bà đều đi theo cách mạng. Chú Tư là bộ đội đặc công đã hi sinh, chú Út bị đày ra Côn Đảo, ba mẹ bị tù vì nuôi giấu cán bộ. Bà Khỏi là chị cả, đưa thư cho bộ đội, vừa trốn chui trốn nhủi vừa phải lo cho 4 đứa em.

Lúc đó, chỉ có lòng căm thù sục sôi trong dòng máu của bà và những nữ dân công hỏa tuyến trong các ấp.

Bà Khỏi nhớ lại cảnh bọn địch đe dọa để tìm ra những người “tiếp tay” cho bộ đội, cho cách mạng. "Nửa đêm nó bao vây ấp, chúng tra tấn đàn bà bằng cách ngâm nửa người dưới nước. Toàn là nước sình trâu, cứt heo ỉa đái, trời ơi dơ dáy. Nó bắt phụ nữ ngâm trong nước để buộc phải khai người "tiếp tay" cho bộ đội. Nhưng mình không khai, lên gò bị nó điều tra, đánh đập", bà Khỏi nhớ lại.

Những câu chuyện kể 50 năm rồi, xa lắc mà cứ như vừa mới hôm qua. Những chị em “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời kêu gọi của Bác Hồ trong Tết Mậu Thân 1968 đã góp phần làm nên bản hùng ca cách mạng oanh liệt của dân tộc.

Giờ đây, vết đạn trên người của những người chiến sĩ trở trời là đau nhức, nhưng để đổi lấy mùa Xuân hôm nay của đất nước, thì những năm tháng ấy không phí hoài tuổi thanh xuân của các mẹ, các chị./.

Theo Kim Dung/VOV.VN

Tệp đính kèm