Ngày 31/1, người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng nguyệt thực toàn phần trong điều kiện thời tiết ủng hộ. Đây cũng được xem là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất của năm 2018.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: news.yahoo.com)
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, hiện tượng bắt dầu diễn ra từ 17 giờ 51 với pha nửa tối; tới 18 giờ 48 sẽ bắt đầu pha một phần; 19 giờ 51 bắt đầu pha toàn phần; 20 giờ 29 nguyệt thực cực đại; 21 giờ 7 kết thúc pha toàn phần; 22 giờ 11 kết thúc pha một phần và tới 23 giờ 8 kết thúc pha nửa tối.
Theo anh Sơn, nguyệt thực là hiện tượng Mặt Trăng tối hơn và có màu đỏ thẫm khi đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Tuy nhiên, dù có màu đỏ như vậy nhưng nguyệt thực không phải là “Trăng máu” mà nhiều người lầm tưởng.
Vẫn theo vị chuyên gia này, ngày 31/1 khi nguyệt thực diễn ra cũng vào thời điểm Trăng tròn (15/12 Âm lịch), trùng với thời điểm Mặt Trăng đi qua điểm cận địa (điểm gần Trái Đất trên quỹ đạo của nó). Việc này khiến người quan sát thấy Mặt Trăng lớn hơn thông thường (lớn hơn khoảng 7% so với kích thước Trăng tròn trung bình). Sự kiện này được gọi là “siêu Trăng.”
Ngoài ra, còn một trùng hợp nữa là Trăng tròn vào tối 31/1 cũng là lần Trăng tròn thứ hai trong cùng tháng 1 này [trong tháng 1/2018 có 2 ngày rằm theo Âm lịch-pv]. Theo văn hóa nhiều quốc gia phương Tây, đây được gọi là “Trăng xanh của tháng.”
Chuyên gia Tuấn Sơn cho hay, đây chỉ là vấn đề văn hóa thuần túy còn Mặt Trăng không hề có bất cứ biến đổi nào về màu sắc hay hình dạng./.
Theo TRUNG HIỀN (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/hien-tuong-thien-van-hap-dan-nhat-2018-se-dien-ra-vao-toi-311/485867.vnp