Những ngày này với ngư dân nuôi thủy, hải sản ở nam miền trung cũng như ở Khánh Hòa trộn lẫn nhiều nỗi niềm sau những cơn cuồng nộ của thiên tai. Dù có lúc biển không yên, sóng không lặng nhưng ngư dân vẫn ra biển, bám biển để được chở che, được ban phát lộc ân. Đây cũng là lúc thắp lên khát vọng với những mô hình mới, ước vọng mới để kiến thiết lại cuộc sống và góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khôi phục nuôi trồng thủy sản ở làng cá đầm Nha Phu (Khánh Hòa).
Quyết không nhụt chí
Đứng giữa làng cá bè Đầm Môn (Vạn Ninh, Khánh Hòa) gió thổi vào mặt rin rít, ánh mắt ông Trần Văn Hân trào dâng những dự định. Ông Hân chia sẻ, thật lòng, bây giờ kiếm miếng ăn từ biển khơi cũng cực lắm bởi luôn hàm chứa nhiều tiềm ẩn. Nhưng đã bao đời bám biển, gắn với nghề nuôi tôm cá rồi, biển như là nhà, không bỏ được. Năm 2017, Vạn Ninh là rốn lũ, bão tố vần vũ tơi bời, cả làng cá bè này gần như mất trắng. Nhà nhà tiền tỷ trôi theo sóng nước. Vậy nhưng, cuộc sống không có con đường cùng, hàng trăm ngư dân làng bè Đầm Môn sát cánh bên nhau động viên mình như vậy.
Vượt qua những đau tiếc, hết năm 2017, toàn bộ hàng trăm bè cá nhà ông Hân đã được khôi phục trở lại, hàng ngàn con cá mú, cá bò, tôm hùm giống đang được chuẩn bị vận chuyển về làng bè.
Cách nhà ông Hân vài trăm mét, ngư dân Nguyễn Văn Hợp cũng đang thoăn thoắt ráp các thanh gỗ, đóng ghép ván dựng nhà. Với đôi chân trần bủng nước sau một ngày ngụp lặn, Hợp thở ra nhẹ nhõm cùng với vẻ mặt hân hoan, rồi bảo, Làng bè Đầm Môn này có đến hàng trăm hộ dân sinh sống. Trước đây dăm hộ lèo tèo sau đó thì những thợ lặn, những ngư dân từ Ninh Thuận, Bình Định… cộng cư quần tụ về đây. Chẳng mấy chốc thành làng. Chẳng khác gì các xóm, làng trên đất liền. Làng trên sóng nước cũng có số phận, có dấu ấn. Vào những thời kỳ cao điểm ở đây canh giữ bè mấy tháng mới vào thăm đất liền một lần. Những trận bão lũ trong năm 2017 đã đánh nát 250 ô lồng bè cá, 80 ô lồng bè tôm của gia đình chúng tôi. Không thể ủy mị mãi được, phải vươn dậy, sốc lại tinh thần lao vào những dự định mới. Trong năm 2018, sẽ nuôi nhiều loại thủy sản ngắn ngày.
Tinh thần vượt lên mất mát của ông Hân, ông Hợp chẳng mấy chốc lan tỏa ra cả Làng bè Đầm Môn, nhà nhà tưng bừng dựng nhà gỗ, giăng lưới để chuẩn bị thả cá giống, tôm giống.
Không khí khẩn trương phục dựng lại các nhà bè, lồng bè ở đầm Nha Phu, làng bè Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng diễn ra náo nhiệt như chạy đua với thời gian. 13 tuổi đã ra biển bám bè, 32 năm trong nghề nuôi tôm hùm, cá bò, ông Nguyễn Văn Đức ở đầm Nha Phu gần như biết từng sự biến đổi của con sóng, sự khác thường của từng loại tôm, cá. Nhưng thiên tai ập đến quá nhanh, lồng bè quá nhiều không kịp di chuyển nên ông Đức cũng như hơn 100 hộ nuôi lồng bè ở đầm Nha Phu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Với suy nghĩ thất bại lần này củng cố bài học kinh nghiệm cho lần sau, ngay từ những ngày cuối cùng của năm 2017, hầu hết lồng bè đã được đóng mới trở lại. Những căn nhà gỗ lênh đênh trên sóng nước cũng đã cơ bản ráp xong. Ngư dân Nguyễn Mạnh Dũng nêu quyết tâm: Phải làm lại, làm thật cật lực để bù lại những mất mát năm qua. Bão lũ năm 2017 đã làm gia đình chúng tôi tan nát 213 lồng bè, mất hơn 2.000 con cá bớp, hơn 1.000 con tôm hùm. Giờ mà không khởi động lại thì không biết bao giờ mới gượng lên nổi. Sau những trận bão này sẽ cẩn thận hơn, khi có biến cố nhỏ là di chuyển lồng bè ngay…
Chung một niềm tin
Các làng bè dập dềnh trên sóng nước đều có chung “mẹ biển” nên luôn nghĩ mình là người cùng một nhà. Ông Nguyễn Văn Đức nghiệm ra rằng, mỗi ngư dân sẽ thấy gắn bó hơn, tự tin hơn khi vững chãi niềm tin biển là một phần máu thịt của Tổ quốc nên sống ở các làng bè chúng tôi không bao giờ phá hoại biển, không dùng chất hóa học sử dụng trong nuôi trồng thủy, hải sản để ảnh hưởng đến người tiêu dùng lẫn môi trường biển. Các chất thải cũng được gom lại chuyển vào bờ từng đợt theo các chuyến tàu chứ không thải bừa bãi. Những đối tượng xấu khi xâm phạm đến các vùng biển của Việt Nam hoặc dùng các biện pháp đánh bắt hủy hoại biển chúng tôi vây bắt và báo với cơ quan chức năng ngay. Biển là cuộc sống của không chỉ hàng vạn ngư dân ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác nữa.
Cũng bởi chung ý nghĩ biển là nhà, những làng bè đều là gia đình lớn nên mỗi khi điện thoại mất liên lạc hay bè nhà ai gặp chuyện chẳng lành sẽ phát tín hiệu cho các bè khác bằng chiếc gậy dựng ngược, đầu gậy treo chiếc áo đen phơ phất. Nếu là chuyện mừng vui, gọi nhau đến nhậu hay họp bàn chuyện gì thì treo con chim én giả bện bằng vải lên chiếc cọc cao nhất quanh căn nhà gỗ. Ai thấy tín hiệu đều tấp vào ngay, không cần do dự.
Bà Nguyễn Thị Hậu ở làng bè Nha Phu bộc bạch, ở đây có gì đều sẻ chia nhau hết, cả vui lẫn buồn. Như gia đình tôi, vừa rồi con trai trong một lần lên đất liền mua nhu yếu phẩm bị tai nạn, phải nằm viện hàng tháng. Hầu hết chi phí được làng bè gom góp mang đi thanh toán và còn tặng thêm 5 triệu đồng. Sự ấm cúng đã trở lại. Tết 2018 này cũng vui rồi.
Sống trên biển, có những ngư dân khi bị trọng thương, điều kiện ngoài biển còn khó khăn, những cư dân trên làng bè xông xáo lao vào với tinh thần “thương người như thể thương thân”, người lo lái ca-nô, người gọi sẵn xe cấp cứu trực ở trên bờ, người chuẩn bị tiền nong. Ngay cả các lao động từ khắp nơi đến bám biển làm thuê cho các chủ bè, xuân đến cũng được đón Tết ấm cúng cùng gia chủ.
Bám biển, có năm thất bát, có năm bội thu, đã đổi đời hàng ngàn thân phận con người. Nhưng, năm tháng trôi đi có thể mài mòn nhiều thứ nhưng ký ức của những cư dân ở các làng bè về “mẹ biển” luôn khắc sâu nên ngư dân nào cũng bừng thức niềm tin yêu với biển cả. Có người sau bao mùa bội thu tôm cá chuyển hẳn lên đất liền nhưng lâu lâu nhớ biển quá lại quay ra làng bè sống ít ngày.
Nhiều ngư dân làng bè mua nhu yếu phẩm chuẩn bị cho năm mới.
Thắp lên những khát vọng
Bốn mùa bám vào sóng nước, nhiều phen đánh bạc với cả đại dương và thiên nhiên như là những cuộc tập rèn nghị lực nhưng những ngư dân nơi đây luôn thắp trong mình khát vọng vươn lên.
Ngư dân Trần Thị Lý ở làng bè Cam Ranh chia vui, hết xuân Mậu Tuất này con tôi sẽ tốt nghiệp cao đẳng y, khi còn đi học, mỗi dịp nghỉ hè cháu lại ra các làng bè để hướng dẫn cách sơ cứu, băng bó vết thương và trị các bệnh cảm cúm thông thường cho các ngư dân bám bè. Các làng bè nhìn thì nghĩ là phiêu dạt nhưng thật sự không phải thế. Có những sợi dây kết nối rất riêng. Trong mỗi căn nhà ấy ẩn chứa những giấc mơ, những khát vọng cống hiến. Hàng trăm đứa trẻ là con em của các gia đình ngư dân quanh năm bám biển đã đỗ đạt và làm việc trên đất liền.
Hơn nửa đời người lênh đênh trên bè cá, ông Hoàng Văn Hữu ở làng bè Đầm Môn đúc rút ra rằng: Chỉ có tri thức và lòng cần cù, đùm bọc mới giúp con người mở ra tương lai cho chính mình, cho mọi người. Thế hệ mình cực nhọc thì thế hệ sau sẽ bớt đi. Có kiến thức tốt thì nuôi cá bè cũng sẽ tốt hơn. Hiện tại, ở nhiều nhà bè đã có cả kỹ sư, cử nhân nông nghiệp nữa nên hy vọng tương lai sẽ bừng sáng hơn.
Để hạn chế những biến cố dẫn đến thiệt hại nặng nề, mùa xuân mới, hàng ngàn ngư dân ở Khánh Hòa hướng đến mô hình nuôi thủy sản bền vững, tiếp cận hệ thống lồng bè thông minh có thể đối chọi với thiên tai. Khi sóng ập cao, lồng bè sẽ được điều khiển để tự chìm xuống. Cùng với đó công tác dự báo được chú trọng tăng cường. Đặc biệt tăng cường nuôi loại con ngắn ngày vào những thời điểm hay xảy ra mưa bão. Theo thống kê của tỉnh Khánh Hòa, trong các đợt mưa bão của năm 2017, ngư dân bị thiệt hại khoảng 400 ngàn lồng nuôi thủy sản. Để tiếp sức cho ngư dân gây dựng lại cuộc sống trong năm mới, hy vọng các ngân hàng chung tay hỗ trợ cho vay không lãi, giãn nợ, khoanh nợ cho ngư dân để họ lại tiếp tục phấn đấu cho những vụ mùa bội thu tôm cá.
BÀI & ẢNH: HÀ VĂN ĐẠO
Theo nhandan.com.vn