Cập nhật: 02/02/2018 14:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, các chiêu trò lừa đảo trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều và khá công khai. Các cơ quan chức năng cũng như truyền thông, báo chí đã tích cực cảnh báo, tuy nhiên loại hình tội phạm này vẫn đang diễn biến ngày một phức tạp. Đáng chú ý, càng gần đến những ngày giáp Tết, hiện tượng một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo càng tăng, đòi hỏi người dân cần tiếp tục đề cao cảnh giác.

Chỉ sau 20 năm chính thức tiếp nối mạng toàn cầu, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet (in-tơ-nét) cao hơn tỷ lệ trung bình trên thế giới và khu vực Đông - Nam Á. Năm 2017, với dân số hơn 93,6 triệu người, Việt Nam có khoảng 50,05 triệu người (tương đương 53% dân số) kết nối internet, tăng 6% so với năm 2016; 46 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 48% dân số).

Một thống kê gần đây cho thấy mỗi ngày, tính trung bình người Việt Nam dành tới 6 tiếng 53 phút để lướt web nếu sử dụng máy tính cá nhân và máy tính bảng, 2 tiếng 33 phút nếu sử dụng điện thoại di động; trong đó thời gian vào mạng xã hội là 2 tiếng 39 phút. Sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam đã góp phần đem đến những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, song cũng tạo nên môi trường màu mỡ cho các loại tội phạm ứng dụng công nghệ cao hoành hành... Ở mỗi giai đoạn, loại tội phạm ứng dụng công nghệ lại có những biến tướng phức tạp, khó lường.

Ngày 24-1 vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát thông báo cảnh báo về một chiến dịch tiến công lừa đảo mới nhằm vào người sử dụng internet tại Việt Nam. Cụ thể, đối tượng lừa đảo tạo ra những trang web giả mạo cơ quan nhà nước, ngân hàng, các hãng thương mại uy tín, nhà cung cấp dịch vụ,... Nhằm lấy lòng tin của người xem vào sự hợp pháp, tin cậy của những trang quảng cáo thương mại giả danh, dưới mỗi chân trang đều kèm dòng chữ: “được cấp phép bởi Bộ Thông tin và Truyền thông”, kèm theo tên, địa chỉ cơ quan chủ quản.

Với chiêu bài khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng nhân dịp Tết Mậu Tuất, các trang web giả mạo dùng nhiều thủ đoạn để gửi tin nhắn thông báo tới người kết nối mạng về việc họ may mắn trúng thưởng, nhận “quà khủng” có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Muốn nhận được quà và phần thưởng, người tham gia cần nhấn vào đường link (liên kết) đính kèm, tại đó họ phải hoàn tất thủ tục nhận giải bằng việc khai báo các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản facebook, tài khoản ngân hàng, thậm chí cả mật khẩu để vào các tài khoản này.

Một số người vì nóng lòng muốn nhận số tiền thưởng may mắn có giá trị lớn cho nên đã chấp nhận điền hết các thông tin theo yêu cầu, vì nếu khuyết một thông tin, cơ hội nhận giải sẽ tuột khỏi tay. Thiếu tỉnh táo cho nên việc làm bất cẩn này của một số người đã vô tình cung cấp “chìa khóa” cho kẻ gian xâm nhập vào tài khoản ngân hàng để ăn cắp tiền, đồng thời chiếm tài khoản mạng xã hội của nạn nhân để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.

Một chiêu thức khác được đối tượng lừa đảo áp dụng đó là đề nghị “khách hàng may mắn” liên hệ trực tiếp với nhân viên chăm sóc để được hướng dẫn thủ tục nhận giải. Nhằm tạo lòng tin với khách hàng, các trang web giả mạo cung cấp thông tin cụ thể về nhân viên mà họ sẽ liên hệ, bao gồm: số thẻ nhân viên, số điện thoại, chứng minh nhân dân. Sau khi liên hệ, các khách hàng trúng giải đều nhận được một yêu cầu chung là chuyển phí để công ty sang tên, hoàn tất thủ tục, vận chuyển... Quà chưa thấy đâu, nhưng số tiền mà người trúng giải phải nộp có khi lên tới cả chục triệu đồng. Chỉ cần họ hoàn tất việc chuyển tiền thì số điện thoại của nhân viên cũng bị mất liên lạc!

Hiện nay, một chiêu thức lừa đảo mới dựa trên việc lập email giả của các doanh nghiệp, dẫn dụ người sử dụng truy cập vào các trang web lừa đảo cũng đang khiến không ít doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh lo lắng bởi mức độ tinh vi và nguy hiểm của loại tội phạm này. Bởi lẽ khi người sử dụng vô tình nhấn chuột vào một đường link hoặc email lạ có file (tập tin) đính kèm chứa virus (vi-rút), phần mềm gián điệp lập tức xâm nhập vào máy tính của họ, âm thầm thu giữ các thông tin cá nhân cũng như các hợp đồng đang được triển khai.

Chúng “mật phục” đến thời điểm chín muồi mới xuất hiện bằng việc gửi email giả, chỉ khác email thật một ký tự. Do vậy, nếu không để ý thì rất khó để phân biệt, sau đó email gửi yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán hợp đồng đến một tài khoản có tên chủ tài khoản giống với tên công ty họ đang hợp tác nhưng ở địa chỉ khác vì lý do “an toàn”.

Nhằm tạo sự tin cậy, đối tượng lừa đảo đưa ra các chứng từ ủy quyền, thông tin chủ tài khoản trùng với tên của doanh nghiệp đối tác. Việc chuyển tiền hoàn tất thì chủ tài khoản giả mạo cũng “cao chạy xa bay”. Theo các chuyên gia máy tính, loại hình lừa đảo này được các hacker (tin tặc) kế thừa và phát triển từ hình thức đánh cắp thông tin qua các giao dịch trên mạng mà phổ biến nhất hiện nay là việc mua bán online. Chiêu thức của tội phạm loại này hết sức tinh vi cho nên ít doanh nghiệp phát hiện ra. Hậu quả là cá nhân, doanh nghiệp không chỉ bị mất tiền mà còn bị mất đối tác, uy tín giảm sút.

Hiện có ít nhất 700 tên miền lừa đảo đã được cơ quan chức năng phát hiện và đăng tải công khai trên website của Trung tâm xử lý tấn công mạng internet Việt Nam nhằm kịp thời giúp người dân nhận biết để phòng tránh. Dễ nhận thấy những website này có tên na ná nhau như: nhanquatet2018.com; hosonhangiaitwoo.com; hopqua2018.com; nhanthuong2018.com; traogiainammoi2018.com; quacuoinam2018.com; mochathuongtet2018.com; sukientuanlocvang.com;... và đều dụ người sử dụng internet tham gia bằng chiêu thức trúng thưởng, tặng quà để rồi chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Điều đáng suy nghĩ là tại sao dù đã từng đọc được lời cảnh báo trên các phương tiện truyền thông về nạn lừa đảo trên mạng nhưng không ít người sử dụng internet vẫn bị “sập bẫy” kẻ gian? Phải chăng vì lòng tham, hám lợi đã khiến một số người trở nên mất cảnh giác, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng để trục lợi? Thực tế có người chỉ vì muốn nhận món quà trúng thưởng chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng đã sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cá nhân, mà không hề lường hết được hậu quả. Có người dù nghi ngờ, nhưng trước lợi nhuận mà kẻ lừa đảo dẫn dụ quá lớn như xe máy trị giá 90 triệu đồng, sổ tiết kiệm 200 triệu đồng khiến họ trở nên mụ mẫm, làm theo mọi yêu cầu của đối tượng lừa đảo. Nếu không vì lòng tham, biết tỉnh táo, thận trọng trước những lời mời gọi nhận quà vô căn cứ, hẳn sẽ không có ai bị mắc bẫy kẻ gian.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến tâm lý chủ quan, thiếu kỹ năng, kiến thức cần thiết khi tham gia mạng xã hội của khá nhiều người đã tạo điều kiện cho kẻ xấu trục lợi. Thực tế không phải ai cũng có thói quen chú ý bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình kết nối internet, chủ quan để lọt, lộ mật khẩu của tài khoản mạng xã hội cũng như email...

Việc dùng chỉ duy nhất một mật khẩu trong một thời gian dài cũng khiến cho người sử dụng phải đối mặt với nguy cơ trở thành đối tượng bị tiến công mạng. Chưa kể thời gian qua, khá nhiều người truyền nhau những tin nhắn cầu an, chúc mừng năm mới, thậm chí dọa ma với những hình ảnh, video hoặc đường link đính kèm... qua facebook với yêu cầu phải tag (đánh dấu) càng nhiều người càng tốt nếu không muốn gặp điều xui. Đây thực chất là một hành vi tiếp tay cho mã độc, virus lan truyền bởi lẽ người nhận chỉ cần thao tác như chỉ dẫn thì nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân sẽ trở thành sự thật. Khi bị chiếm mất quyền sử dụng máy tính đồng nghĩa với việc họ bị hacker kiểm soát mọi thông tin cá nhân. Muốn lấy lại dữ liệu, một số người còn phải trả một số tiền chuộc không hề nhỏ thông qua những giao dịch trung gian không dễ truy tìm được tung tích của tội phạm.

Hiện nay công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao đang gặp không ít khó khăn bởi các website lừa đảo thường được đăng ký bởi tên giả, tài khoản ảo, có địa chỉ ở nước ngoài, và sử dụng sim rác khi liên hệ với khách hàng. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đối tượng phạm tội lập tức thiết lập địa chỉ mới, tiếp tục kết nối với người sử dụng internet thông qua các mạng xã hội.

Trước tình trạng lừa đảo trên mạng ngày một gia tăng, Cục An toàn thông tin đã đưa ra khuyến nghị với người sử dụng như sau: cảnh giác với những tin nhắn với các thông tin khuyến mại, trúng thưởng, nhận thưởng; không click vào bất cứ liên kết lạ nào được nhận từ tin nhắn trên facebook, kể cả từ các tài khoản bạn bè và người thân và các kênh tương tự như Zalo, Viber; cảnh giác với những địa chỉ web lạ, gợi mở về việc nhận thưởng, trao giải; cập nhật mật khẩu tài khoản facebook, sử dụng các mật khẩu mạnh; không cung cấp tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân hay các thông tin riêng khác trên bất kỳ trang mạng không rõ nguồn gốc.

Có thể thấy rằng, tâm lý chủ quan, coi thường, mất cảnh giác trên môi trường trên internet sẽ có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho người sử dụng. Để phòng tránh, mỗi người có thể tự bảo vệ mình và cộng đồng trước các hiểm họa của tội phạm công nghệ bằng chính việc nâng cao cảnh giác, thận trọng khi tham gia mạng xã hội và các giao dịch trên internet.

 

Theo THẢO ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm